Biến chủng virus lây lan nhanh đòi hỏi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao
Giới chuyên gia khẳng định, vắc xin hiện là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, dù các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể tác động ít nhiều đến hiệu quả của vắc xin.
Sự biến chủng của corona virus là điều tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Trong đó, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh chóng khiến diễn biến dịch trở nên phức tạp hơn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4 - đến nay), các chuyên gia nhận định, biến thể Delta xuất hiện phổ biến tại Bắc Ninh, Bắc Giang và tiếp tục lan rộng tại TPHCM, Bình Dương và các tỉnh, thành phía Nam.
Theo các chuyên gia, với virus SARS-CoV-2, dù là biến chủng nào thì biện pháp đơn giản nhất là 5K, để ngắt chuỗi lây nhiễm và phòng dịch hiệu quả. Biến thể Delta (còn gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus corona chủng mới được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ và được coi là biến thể nguy hiểm bởi tốc độ lây lan vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Giới chuyên gia khẳng định, vắc xin hiện là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, dù các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể tác động ít nhiều đến hiệu quả của vắc xin. Tuy nhiên, với biến thể lây nhiễm nhanh như Delta thì với người đã tiêm ngừa vắc xin vẫn có thể mắc Covid-19, nhưng sẽ giảm được tử vong và tình trạng bệnh nặng.
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta đang làm cho các nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch quay trở lại. Một biến chủng khả năng lây lan tăng nhanh thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt mức độ cao hơn thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
“Chính vì thế, một số nước mới chỉ đạt được mức độ tiêm chủng khoảng 60% phải tăng cường tỷ lệ tiêm chủng. Trong bối cảnh nước ta đang khó khăn trong việc thực hiện miễn dịch cộng đồng, thì người dân hãy tuân thủ khuyến cáo 5K và tiêm vắc xin khi đến lượt chứ không nên lựa chọn loại vắc xin gì. Tiêm sớm mới đủ thời gian sinh kháng thể, sẽ giảm bớt nguy cơ, vừa bảo vệ bản thân vừa phát huy thành quả kiểm soát dịch của chúng ta trước đây”, BS Hồng Hà nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, các điểm nóng trong đợt dịch thứ tư sẽ rất khó để đưa số ca nhiễm về 0.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, trong diễn biến dịch hiện nay, muốn phát hiện sớm ca mắc thì những người có triệu chứng ho sốt cần chủ động khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm: “Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này”.
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo ước tính, virus nhân lên khoảng 105 - 106 chu kỳ thì có thể xuất hiện gene đột biến mới và theo quy luật chọn lọc tự nhiên thì những biến chủng nào có khả năng lây lan nhanh, động lực mạnh thì nó sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển; còn với chủng virus không có khả năng lây lan hoặc lây thấp thì sẽ bị thanh lọc hoặc không tồn tại.
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo nhiều nghiên cứu, các vắc xin hiện nay vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa bệnh nặng bởi biến thể Delta, mặc dù có có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng. Do vậy, để ứng phó với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, các chuyên gia đã tính đến khả năng tiêm liều vắc xin bổ sung - liều thứ 3.
Tuy nhiên, một cuộc tranh luận cũng đang nổ ra giữa các nhà sản xuất và trong giới chuyên gia về sự cần thiết của liều vắc xin bổ sung này. Đến nay, các nhà sản xuất cũng đã tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng để xác định thời gian thực hiện tiêm mũi vắc xin thứ 3.
Theo Thiên Bình (VOV.VN)