Xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ
Gần đây, trên cả nước nói chung và tại Bình Định nói riêng, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra phức tạp, đặc biệt là hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Những hành vi này đã và đang bị xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Kiên quyết xử lý
Dù đã được giải thích và tuyên truyền, song Dương Ngọc Tính (SN 1991), Phạm Ngọc Lưu (SN 1990), cùng thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, vẫn bất chấp điều khiển xe máy vượt chốt kiểm soát dịch tại thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa. Không chỉ vượt chốt khi địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mà cả 2 còn dùng cây, gạch, đá đuổi đánh lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt và lật ngã rào chắn. Với hành vi hung hăng này, Tính và Lưu đã bị Cơ quan CAĐT CA huyện Tuy Phước khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi chống người thi hành công vụ. Thượng tá Lê Văn Cang, Trưởng CA huyện Tuy Phước, cho biết vụ án đã xong quá trình điều tra. Đây sẽ là án điểm và chúng tôi kiên quyết xử lý ngay, dứt điểm; bởi trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các hành vi không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chống đối lại lực lượng chức năng sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Một trường hợp lái xe ô tô cố tình không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng khi qua chốt đã bị xử lý hành chính. Đối tượng vi phạm ký biên bản vi phạm và lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện. Ảnh: KIỀU ANH
Đây chỉ là 1 trong 4 vụ việc chống người thi hành công vụ đã bị cơ quan chức năng khởi tố gần đây; trên thực tế còn xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ, nhưng mức độ nhẹ hơn nên chỉ xử lý hành chính. Phần lớn người vi phạm có các hành vi như xúc phạm danh dự người thi hành công vụ; không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra. Đơn cử như trường hợp của ông N.V.K. (SN 1978, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) vừa bị phạt 2 triệu đồng vì có lời nói xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ khi giải thích, vận động ông K. thực hiện cách ly y tế theo quy định. Hay như trường hợp Đ.Q.T. (SN 1995, tỉnh Kon Tum) điều khiển ô tô qua chốt kiểm soát QL1D (TP Quy Nhơn); dù lực lượng CSGT đã ra hiệu và phát loa dừng để kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch, nhưng T. vẫn cố tình lái xe thông chốt, suýt tông vào lực lượng đang làm nhiệm vụ trên đường. “Phần không nhìn thấy biển hiệu thông báo chốt kiểm soát, phần do xe chạy bị lố, bản thân không có giấy tờ xe nên điều khiển xe đi luôn”, T. lý giải cho hành vi cố tình không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của lực lượng CSGT. Với những hành vi vi phạm này, T. đã bị tạm giữ phương tiện và phải thi hành quyết định xử phạt hành chính hơn 50 triệu đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Có thể nói, việc chống người thi hành công vụ cho thấy một bộ phận người dân coi thường pháp luật, tạo dư luận xấu trong xã hội. Do đó, song song với việc huy động lực lượng bảo vệ, trấn áp đối tượng manh động, ngành chức năng cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động. Trung tá Hồ Thị Thanh Hải, Đội Phó Đội CSGT-Trật tự-Phản ứng nhanh, CA TP Quy Nhơn, chia sẻ: Đối với vài cá nhân có thái độ phản ứng, không chấp hành quy định phòng, chống dịch, lực lượng làm nhiệm vụ luôn chủ động nhắc nhở và tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ các quy định, trường hợp cố tình vi phạm đều bị xử lý nghiêm.
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình, sẽ phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của người thi hành công vụ; dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ. Còn tại Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội chống người thi hành công vụ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Luật quy định rất chi tiết, do vậy mỗi người dân chúng ta hãy tuân thủ nghiêm để không phải lãnh hậu quả đáng tiếc.
KIỀU ANH