Ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa có đặc điểm tăng đường huyết trong thời gian dài, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau như tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Các biểu hiện của tăng đường huyết như tiểu nhiều; khát và uống nước nhiều; mau đói, thèm ăn; sút cân nhanh; mệt mỏi, uể ỏi toàn thân; hoa mắt, choáng váng.
ĐTĐ và những biến chứng nghiêm trọng (hay còn gọi là biến chứng mãn tính) như biến chứng ở mắt, tim, thận, thần kinh… là những biến chứng sinh ra do lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo, từ đó làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.
Chụp đáy mắt bệnh nhân đái tháo đường để phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường.
Biến chứng ở mắt do đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Dần dần, thị lực của người bệnh ĐTĐ có thể bị suy giảm hoặc trầm trọng hơn. Do đó, bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở người mắc bệnh ĐTĐ. Biến chứng về tim mạch như tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ động mạch ngoại vi gây tắc mạch; đột quỵ và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng gấp 2 đến 4 lần. Biến chứng về thần kinh, xuất hiện sớm nhất và thường xuyên của đái tháo đường. Nguyên nhân hàng đầu gây đoạn chi dưới không do chấn thương. Biến chứng về thận là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận giai đoạn cuối.
Điều quan trọng là cần tầm soát các biến chứng:
- Bệnh thận: Ít nhất mỗi năm 1 lần theo dõi mức lọc cầu thận ở bệnh nhân ĐTĐ type 2.
- Bệnh VMĐTĐ: Tốt nhất nên khám mắt tại thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ. Nếu đã có bệnh VMĐTĐ thì nên khám chuyên khoa theo chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh thần kinh: Ngay thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2, 3 - 5 năm sau khi được kết luận mắc bệnh ĐTĐ tuýp 1, sau đó ít nhất một năm một lần.
Phòng bệnh ĐTĐ:
+ Phòng bệnh cấp 1: Sàng lọc để tìm ra nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao (tuổi trên 45 tuổi; tiền sử gia đình có người trực hệ mắc bệnh ÐTÐ; người bị tiền ÐTÐ trước đó; tăng huyết áp; rối loạn chuyển hóa mỡ máu; thừa cân, béo phì; tiền sử ÐTÐ thai nghén và sinh con có cân nặng hơn 4 kg; hội chứng buồng trứng đa nang).
+ Phòng bệnh cấp 2: Với người đã mắc bệnh ĐTĐ, nhằm làm chậm xảy ra các biến chứng, làm giảm các mức độ nặng của biến chứng cần kiểm soát đa yếu tố bên cạnh kiểm soát tốt đường huyết; huyết áp, lipid máu. Tuân thủ điều trị và đi khám định kỳ. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục là một thành phần quan trọng trong điều trị bệnh ĐTĐ.
Bệnh nhân ĐTĐ nên có chế độ ăn uống hợp lý và điều độ, hạn chế uống nhiều bia rượu, không hút thuốc lá. Nên thường xuyên tham vấn bác sĩ điều trị về chế độ ăn uống phù hợp với thể trạng, bệnh trạng của mình.
BS NGUYỄN HOÀNG VŨ (BVĐK tỉnh)