Chuyện một hộ trồng rừng tiêu biểu
Với cách làm riêng bền chắc, ông Ðỗ Duy Thụy trở thành người trồng rừng nhiều nhất, hiệu quả nhất, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương nhất ở xã Canh Hiển, huyện Vân Canh.
Ông Đỗ Duy Thụy (64 tuổi, quê ở phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) là CCB, có gần 40 năm cống hiến trong các đơn vị quân đội. 16 năm trước, ông quyết định lấy gần hết số tiền dành dụm trong nhiều năm của mình để mua lại khu đất trồng rừng sản xuất tổng diện tích 120 ha của một DN ở xã Canh Hiển. Khi ấy, khu rừng rộng lớn này chủ yếu chỉ trồng bạch đàn, hiệu quả thấp. Ông Thụy từng bước tìm tòi cách thức trồng rừng phù hợp để phát huy hiệu quả. Làm việc và nhà ở tại TP Quy Nhơn, nên ông Thụy chỉ giữ vai trò “tổng chỉ huy” còn việc “thường trực” coi sóc rừng được ông tin tưởng giao cho người em ruột Đỗ Phú. Đến khi nghỉ hưu đầu năm 2017, ông Thụy mới có nhiều thời gian hơn cho việc trồng rừng mà ông chia sẻ đã trở thành đam mê.
Ông Đỗ Phú đang chăm sóc đàn bò Úc. Ảnh: HOÀI THU
Ban đầu, anh em ông Thụy cũng gặp khó khăn trong việc bảo vệ 120 ha rừng trải rộng trên 4 thôn của xã Canh Hiển. Ông Đỗ Phú chia sẻ: Tôi bàn với anh Thụy nên tích cực thực hiện công tác dân vận đối với người dân địa phương. Ví dụ với những hộ hay thả bò vào xâm hại rừng, cứ vào dịp tết cổ truyền là tôi lại cỡi xe máy chở quà vào tận nhà tặng cho con cháu họ, đồng thời hỏi thăm tình hình cuộc sống, chúc mừng năm mới. Một số cháu nhỏ, người chăn bò trên đồi núi cả ngày, tôi còn cho áo mặc ấm hơn vào mùa mưa lạnh, nấu cơm và đồ ăn đem lên mời, khiến họ xúc động... Đối với những đối tượng “cứng đầu” chặt trộm cây để bán, mình đến tận nhà nói thiệt hơn, cho vô rừng của mình làm và ứng tiền để họ mua máy phát chồi, sau đó trừ dần vào tiền công để họ có máy. Nhờ vậy, đến nay việc xâm hại rừng trồng không còn nữa.
Ông Đỗ Duy Thụy kiểm tra cây keo lai mô trồng gần một năm qua ở khu vực thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển theo mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn. Ảnh: HOÀI THU
Khu rừng của ông Thụy được chia thành nhiều lô để trồng theo kiểu cuốn chiếu, mỗi năm trồng một diện tích nhất định, chủ yếu là giống keo lai có chất lượng cao, trồng với mật độ thưa và chu kỳ khai thác lâu hơn so với phần lớn những người trồng rừng khác. Nhờ vậy, cây phát triển tốt hơn cả chiều cao và đường kính thân, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đường ranh giữa các lô trồng keo lại được trồng rất nhiều cây xà cừ (đến nay được khoảng hơn chục năm) nên nhìn vào dễ phân biệt. Từ kinh nghiệm trong thực tế và tìm tòi, học hỏi thêm, ông Thụy không chỉ đầu tư về cây giống mà còn bón thêm phân cho cây rừng trồng, nhờ đó rừng có chất lượng cao, hiệu quả kinh tế khi khai thác cao lên thấy rõ.
“Trên địa bàn xã có nhiều hộ trồng rừng, trong đó diện tích rừng trồng của ông Ðỗ Duy Thụy là lớn nhất, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương tham gia vào các khâu trồng, chăm sóc rừng. Ông Thụy cũng là người tích cực hưởng ứng dự án trồng rừng gỗ lớn tại địa phương, với kinh nghiệm và điều kiện đầu tư thêm của ông thì chắc rằng sẽ thành công”.
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiển
Sáng kiến mà ông Thụy tâm đắc, đã chủ động đề nghị nhà báo “phổ biến rộng rãi để giúp dân trồng rừng” là việc dùng thuốc trừ muỗi để diệt mối trên cây. Đất trồng rừng khu vực đồi núi ở xã Canh Hiển có rất nhiều mối phá hoại cây trồng, trước đây ông Thụy có dùng thuốc viên chống mối nhưng không hiệu quả. Ông suy nghĩ, thời công tác trong quân đội, các đơn vị thường được cấp lọ thuốc diệt muỗi, khi pha thuốc vào nước để tẩm mùng thì chống muỗi rất hiệu quả... nên ông đã thử áp dụng cho cây keo.
Ông Thụy cho biết: Tôi mua thuốc chống muỗi Permethrin 50 EC giá gần 1 triệu đồng/chai 1 lít, về pha với tỷ lệ 100 lít nước/20 - 40 ml thuốc, ngâm vào đó 500 cây giống khoảng một tiếng thì vớt lên đem đi trồng, bảo đảm diệt được mối. Điều này đã được tôi áp dụng nhiều năm qua, chia sẻ với người trồng rừng ở địa phương.
Đến nay, rừng trồng của ông Thụy đã có 3 chu kỳ khai thác, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, từ tháng 9.2020 đến tháng 7.2021, đã hoàn thành khai thác gần 50 ha (29 ha rừng trồng 9 năm, thu nhập khoảng 140 triệu đồng/ha; hơn 20 ha rừng trồng 7 năm, thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha). Hiện phần lớn diện tích rừng còn lại của ông Thụy đã trồng được 4 - 5 năm. Một nửa diện tích rừng sau khi khai thác (25 ha) được ông Thụy nhanh chóng hưởng ứng tham gia dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” (chu kỳ trồng kéo dài 10 năm mới khai thác). Trên diện tích đất trồng rừng của mình, ông Thụy còn chọn khu vực thích hợp để nuôi hàng trăm con heo rừng lai, dê, bò Úc, làm ao nuôi cá... để có thêm nguồn thu, phát triển kinh tế.
HOÀI THU