Xử lý F0 tại doanh nghiệp: Sẽ có kịch bản ứng phó chi tiết
Sau khi tại Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) có 4 ca dương tính SARS-CoV-2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã chỉ đạo Sở Công Thương và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Sở Y tế xây dựng kịch bản ứng phó khi có F0 xuất hiện tại DN, khu kinh tế, khu công nghiệp vì đây vẫn là khâu chúng ta làm chưa tốt.
Nhờ xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng, huyện Phù Cát phát hiện các ca F0 liên quan đến Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Bình Định ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong nhà máy. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Tại hôm phát hiện F0, có 1.724 lao động có mặt tại các khu vực sản xuất của Công ty Delta Galil. Theo lãnh đạo Công ty, may mắn là 2 ca dương tính này làm trong dây chuyền sản xuất rất hẹp, không tiếp xúc nhiều với các công nhân khác. Chúng tôi đã phối hợp với ngành Y tế tiến hành test nhanh, truy vết, phân loại để có biện pháp cách ly phù hợp cho từng nhóm.
Công trường thi công nơi có 2 công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: Đ. THẢO
Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, việc lần đầu tiên Bình Định ghi nhận ca F0 xuất hiện trong nhà máy cho thấy việc xử lý khó khăn hơn rất nhiều so với đã dự lường, lên kế hoạch. Điều rút ra là khi có F0 xuất hiện trong nhà máy, các địa phương, phối hợp với sở, ngành phải thông báo ngay cho DN, chủ DN hoặc là quản đốc DN để xác định thông tin F0 hiện đang ở đâu, thuộc phân xưởng nào và thực hiện cách ly F0 ra khỏi công ty. Kế đó, xác định F1 và tách F1 ra khỏi công nhân nhà máy. Tiếp theo là ổn định tình hình theo hướng ai ở đâu ở yên đó. Việc xử lý F0 trong nhà máy, đến nay khâu này vẫn là khâu chúng ta làm chưa tốt.
Sau khi ổn định tình hình, ngành Y tế bắt đầu test nhanh SARS-CoV-2 để tầm soát, phân loại toàn bộ công nhân. Ở điểm này, Công ty TNHH Delta Galil đã chuẩn bị số lượng mẫu test khá tốt. Rút kinh nghiệm, ngành Y tế đề nghị Sở Công Thương, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu các công ty chuẩn bị sẵn số lượng test nhanh tương ứng với số công nhân để khi có sự cố là có thể chủ động test ngay. Bên cạnh đó, các DN phải đảm bảo công tác hậu cần, giúp công nhân ổn định, yên tâm phối hợp test sàng lọc.
+ Phải nắm được danh sách (số điện thoại, địa chỉ) từng công nhân trong DN để tiện điều tra truy vết.
-Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Delta Galil. Ảnh: Đ. THẢO
Việc có ca F0 xuất hiện ở DN, cơ sở sản xuất là điều khó lường, tuy nhiên nhiều đơn vị có tư tưởng chủ quan, không chuẩn bị cho các tình huống xấu có thể xảy ra. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, kiêm Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết: Đến bây giờ, các DN đều có phương án xử lý F0 nhưng đến khi xảy ra lại lúng túng. Ví dụ riêng chuyện định kỳ test nhanh 20% số công nhân, nhiều DN làm theo kiểu đối phó. Chúng tôi sẽ thành lập riêng 1 tiểu ban giao cho Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Công Thương trực tiếp xuống kiểm soát, nhắc nhở, đôn đốc và có chế tài xử phạt các DN không thực hiện đúng quy định.
Công nhân của mỗi DN không chỉ là người dân ở địa phương mà còn ở nhiều khu vực khác, do vậy, các địa phương phải có phương án chuẩn bị cho tình huống đưa người dân của địa phương khác về an toàn. Ông Lê Quang Hùng cho biết thêm: Các địa phương phải chuẩn bị xe cứu thương để đưa F0 vào bệnh viện, F1 vào khu cách ly vì nếu có F0 xuất hiện tại DN, khu công nghiệp thì chuyện một lúc có đến 200 ca F0 là tình huống hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc đáng chú ý là địa phương phải là đơn vị trực tiếp đón công nhân có kết quả âm tính về nhà, không để công nhân tự đi. Đối với công nhân ở các địa phương khác, phải nhanh chóng phân loại và thông báo cho địa phương đó đưa xe tới đón và thực hiện cách ly tại nhà ngay.
ĐỖ THẢO