Tường trình từ bên trong khu cách ly
Rời sân bay Phù Cát, tôi cùng gần 200 công dân Bình Định trở về từ vùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh được đưa đến khu cách ly đặt tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh (thuộc Trung đoàn Bộ binh 739, đóng tại xã Cát Tân, huyện Phù Cát).
Hơn 20 chiếc xe buýt được điều động bằng lực lượng quân nhân, xếp theo hàng ngay ngắn trước lối ra sân bay sẵn sàng đón người về khu cách ly tập trung. Một ông cụ không giấu nổi xúc động, giọng run run: “Về tới quê mình rồi hả con!”.
Những trải nghiệm khó quên tại khu cách ly
Dòng người ra khỏi sân bay được chia làm nhiều tốp, mỗi tốp tầm 10 - 15 người, phút chốc 200 người đã lên xe. Không ngại cái nắng cháy da thịt, từ cổng sân bay đến khu vực cổng chào doanh trại quân đội, các chiến sĩ được trang bị đồ bảo hộ che kín từ đầu tới chân, sau lưng mang bình khử khuẩn đã đứng sẵn 2 bên đường phun khử toàn bộ các chuyến xe ra vào.
Xe đưa đón đồng bào Bình Định trong khu cách ly.
Dòng xe đi xuyên qua những con đường thân thuộc, lướt qua những ngôi nhà cao tầng kiêu hãnh kề bên những mái nhà cũ xưa. Tôi thầm thì: “Quê hương đã đổi mới nhiều quá!”. Còn đang trong dòng suy nghĩ miên man thì xe đã về tới khu cách ly. Bà con được chia 4 người một phòng. Bầu ở chung phòng với bầu. Đàn ông ở với đàn ông. Phụ nữ ở cùng phụ nữ. Những ai đi theo diện gia đình ở chung với nhau. Bộ phận xếp phòng sắp xếp đâu ra đó, quy củ, nhanh chóng, nghiêm túc.
Bà con xếp đồ gọn ghẽ xong thì trời đã chập tối, 17 giờ 30 phút, một chú bộ đội đẩy xe cơm tới, đứng cách khu nhà cách ly 10 m rồi gọi lớn: “Bà con xuống lấy cơm đi!”. Vẫn chưa quen lắm với cách phát cơm từ xa này, nhiều phòng vẫn chưa ra lấy. Tôi đứng nép sau cánh cửa ngó ra, thấy vậy, chú bộ đội mặc quân phục ngoắc tay ra hiệu đến lấy cơm, tôi chạy ra lấy 4 hộp cho cả phòng rồi chạy ù vào phòng.
Chỉ mới ăn một bữa từ sáng nên cả 4 người phòng tôi ăn ngon lành. Cô lớn tuổi nhất phòng căn dặn: “Mấy đứa ráng ăn vô lấy sức chống dịch!”. Vừa ăn, cô bé sinh viên Đại học Văn Lang vừa cười hồn nhiên: “Con thấy còn ngon hơn cơm sinh viên nhiều cô ơi, với tụi con như thế này là quá tốt rồi!”.
Cơm nước xong, một chú bộ đội đi từng phòng dặn dò, giọng dứt khoát: “Ai nằm giường nấy và không nói chuyện với nhau, thực hiện 5K nha bà con. Có thấy dấu hiệu gì khác thường trong người phải báo liền với cán bộ gần nhất để được hỗ trợ, bà con đừng ngại”.
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình…
Theo thiếu tá Huỳnh Khắc Nhân, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Bộ binh 739, UBND tỉnh Bình Định giao đơn vị nhiệm vụ tiếp đón và phục vụ công dân cách ly đến/về từ vùng dịch. Tính từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 350 công dân từ Nhật Bản về. Ngoài ra, cũng đón gần 100 thuyền viên là người Việt Nam và người nước ngoài từ các quốc gia có dịch cập cảng Quy Nhơn như: Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Singapore… về đây cách ly tập trung. Tổng số công dân cách ly tại đây từ các tỉnh, thành phố có dịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương trong tỉnh là trên 1.000 người.
Thiếu tá Nhân cho biết: “Nhận nhiệm vụ, chúng tôi phối hợp với Trung tâm y tế huyện Phù Cát và công an, cảnh sát giao thông dẫn đường chuẩn bị công tác tiếp đón; tổ chức giáo dục cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị cách thức phục vụ, sẵn sàng đón tiếp đồng bào; phân loại công dân mức có nguy cơ cao để phân chia các khu ở hợp lý, thực hiện đúng quy định giãn cách của Bộ Y tế và Chính phủ. Việc động viên, hướng dẫn đồng bào thực hiện cách ly ngoài kênh trực tiếp còn qua kênh phát thanh trong khuôn viên đơn vị. Toàn đơn vị chúng tôi nỗ lực để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho bà con".
Nhớ ra một người quen cũ công tác tại đây - thiếu tá Lâm Phú Phong, Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 3, Trung đoàn Bộ binh 739 - tôi vội lấy điện thoại hỏi thăm. Nghe giọng tôi, anh mừng lắm, và nói đã ở lại đây từ hồi tháng 3.2020 đến nay để phục vụ bà con khu cách ly. Từ đó, chưa lần về thăm nhà, chỉ có thể gọi điện về động viên vợ con an tâm hơn để anh thực hiện nhiệm vụ. Bỗng giọng anh trầm xuống: “Gần năm rồi, chỉ nhìn 2 đứa con qua cái điện thoại nhỏ. Nhớ vợ con quá chừng nhưng bộ đội mà, quen rồi, ở TP Hồ Chí Minh các bác sĩ, y tá và đồng đội tôi còn vất vả hơn nhiều lần!”.
Ở những khu cách ly như thế này, tôi biết không chỉ các sĩ quan mà toàn thể từ các chiến sĩ ngày đêm canh gác, phục vụ đến cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho bà con, các anh nuôi, chị nuôi…, tất cả đều dồn sức chia sẻ với đồng bào qua từng cử chỉ ân cần, quan tâm chăm sóc.
Mong Sài Gòn mau "khỏe"
Tôi rón rén bước sang phòng bên, vừa giữ khoảng cách đủ xa nhưng cũng đủ gần để nghe thấy tiếng nhau, đứng ngoài ô cửa sổ hỏi thăm anh Đặng Xuân Lộc, 31 tuổi, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, làm nghề thợ hồ ở TP Hồ Chí Minh. Anh Lộc kể: "Thất nghiệp 4 tháng ở trong Nam, giờ sẽ về quê làm thợ hồ trở lại, ở quê mình việc cũng không đến nỗi thiếu. Chỉ mong mau chóng trở lại bình thường để có thể xuôi Nam vì nói vậy chớ sống trong Nam nhiều năm quen thung thổ mất rồi".
Cùng hoàn cảnh, anh Đoàn Văn Hảo, ở xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, làm thợ mộc, cho biết: Trước mắt sẽ về nhà làm được gì thì làm, chờ đến khi Sài Gòn "khỏe mạnh" lại quay vô.
Tôi trở về phòng với những niềm riêng. Nằm kề bên tôi, cô Lê Thị Sáu, 63 tuổi, ở huyện Vân Canh, chia sẻ: “Quê còn 2 sào đất trồng lúa, cô sẽ nuôi vài cặp gà lấy trứng. Giờ trước tiên về là mình lãnh dây nhựa về đan bàn ghế, ngày được cỡ trăm ngàn, cũng đủ ăn uống, chồng cô làm ở hợp tác xã cũng được chừng 4 triệu đồng một tháng. Hai vợ chồng túc tắc qua ngày coi như cũng êm xuôi, chỉ lo cho mấy đứa con phải trụ lại trong đó…”.
Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh nhất định sẽ sớm "khỏe" lại, người Bình Định cần cù, chịu thương chịu khó, vẫn mong sớm quay lại để làm ăn, sinh sống, góp phần nhỏ xây dựng thành phố này tươi đẹp hơn, phát triển hơn, qua đó tham gia xây dựng quê hương Bình Định vững vàng hơn. Giữa những ngày đầy gian khó này, trong tất cả các cuộc trao đổi, thăm dò, có một niềm vui ấm áp là không ai muốn rời bỏ Sài Gòn, ai cũng mong Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh sớm "bình phục".
ĐỖ MỸ DUNG