Cảnh báo lừa đảo vay tiền qua mạng xã hội
Nhu cầu vay tiền tiêu dùng của người dân gia tăng khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo vay tiêu dùng.
Phổ biến nhất là chiêu trò vay tiền qua mạng xã hội facebook với các trang có tên hấp dẫn như “vay tốc độ”, “vay tiền nhanh online”... Giữa tháng 8 vừa qua, anh Nguyễn Văn T. ( ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) bị mất hơn 200 triệu đồng vì đồng ý vay tiền qua trang facebook có tên “vay tiền nhanh online”. Chủ tài khoản trang này đã gửi tin nhắn, làm quen với anh T. Sau đó đối tượng chủ động xin số điện thoại, kết bạn zalo với anh T. và cho một đường link dẫn đến một trang web, yêu cầu anh T. điền thông tin sẽ được cho vay tiền với lãi suất ưu đãi trong mùa dịch. Sau khi anh T. thực hiện các yêu cầu, trang cho vay thông báo đã xét duyệt. Đối tượng liên lạc lại cho biết anh T. đã nhập sai số tài khoản ngân hàng, muốn đổi lại để được vay phải nộp 5 triệu đồng. Nhiều lần, các đối tượng cứ trả lời anh T. đã nhập sai thông tin cá nhân không thể vay gói ưu đãi, đối tượng yêu cầu anh T. nộp tiền nhiều lần. Nhiều nhất ngày 18.8, anh T. đã nộp 140 triệu đồng do đối tượng hăm dọa số tài khoản của anh có nguy cơ bị mất, nếu phục hồi và muốn đẩy nhanh thủ tục vay phải nộp thêm 20 triệu đồng. Tổng số tiền mà anh T. nộp cho đối tượng vào tài khoản Nguyễn Văn Quyết, Ngân hàng BIDV là hơn 200 triệu đồng. Lần cuối cùng đối tượng yêu cầu anh nộp thêm 50 triệu đồng vì khả năng hồ sơ của anh bị đóng băng do thông tin sai nhiều lần thì anh T. mới nghi ngờ và báo cho CA xã Nhơn Lý. Qua xác minh, điều tra nhanh, CA xã Nhơn Lý trả lời anh đã bị lừa và chuyển hồ sơ cho CA TP Quy Nhơn. Tương tự, chị Trần Thị H. ở phường Hải Cảng cũng bị lừa với số tiền hơn 100 triệu đồng do vay tiền trên trang facebook “vay tốc độ”.
Theo CA TP Quy Nhơn, từ đầu tháng 7 đến nay, đơn vị này đã nhận 8 đơn trình báo vụ việc lừa đảo với thủ đoạn vay qua mạng xã hội. Đáng chú ý, các đối tượng còn giả mạo mục đích hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi, nhận tiền hỗ trợ. Bọn chúng “vẽ” ra các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh, tiền hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi hay tiền của các tổ chức từ thiện. Muốn được vay gói này, bọn chúng cho đường link để điền thông tin, số tài khoản ngân hàng, mã OTP để chiếm đoạt tiền hoặc yêu cầu nộp tiền để thủ tục vay được nhanh…
Trước vấn nạn này, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân cần tuyệt đối bảo mật các giấy tờ và thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, tránh để cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Cần kiểm chứng các thông tin quảng cáo, cho vay trên mạng xã hội nhằm tránh sập bẫy các chiêu trò dụ dỗ nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19.
NGUYỄN GIANG