“Lương đống” là gì?
Trong thơ văn xưa, đống lương hay lương đống được dùng với nghĩa “có tài, có thể làm nổi việc lớn cho quốc gia”; ví như: “Trong lăng miếu ra tài lương đống” (thơ Nguyễn Công Trứ). Từ đâu mà có nét nghĩa này?
Trước hết, lương đống nghĩa gốc chỉ hai bộ phận trong kết cấu của ngôi nhà. Lương (bộ mộc, liên quan đến cây, gỗ) nghĩa là “xà nhà”. Đây là người anh em của từ rường trong tiếng Việt. Lương ~ rường cũng như long ~ rồng, ly ~ rời (quan hệ l- ~ r-) và lam ~ chàm, lang ~ chàng (thanh ngang ~ thanh huyền). Đống (cũng bộ mộc) nghĩa “cột”. Lương đống chính là rường và cột. Ca dao Bình Định có câu: “Bằng lăng tốt gỗ dễ cưa/ So tài lương đống còn thua kiền kiền”. “Tài lương đống” ở đây là “tài” làm xà làm cột của gỗ bằng lăng, kiền kiền.
Lương và đống là những chi tiết quan trọng, gánh vác toàn bộ kết cấu ngôi nhà. Từ đó mới có nét nghĩa chuyển chỉ người tài, có thể đảm nhiệm những trọng trách lớn của đất nước. Từ rường cột trong tiếng Việt cũng tương tự, nên mới có cách nói rường cột nước nhà, rường cột của quốc gia…
Liên quan đến nhà, ta còn một từ rất thú vị nữa là đòn đông, cũng gọi là đòn dông do biến âm. Đòn đông là xà bắc trên đầu hàng cột cái (cột chính), tạo thành nóc cho mái nhà. Nhiều trang mạng giải thích rằng, vì ngày trước nhà thường quay mặt về hướng nam, đòn đông nằm theo hướng đông tây nên được gọi là “đòn đông”. Tuy nhiên, cách giải thích này có hai điểm không ổn: 1. Đòn đông nằm cân đối theo hướng đông tây, vì sao gọi “đông” mà không có “tây”? Khi gọi một đối tượng theo một hướng nào đó, thì đó phải là hướng trọng tâm của đối tượng. Gọi “đòn đông” thì phải nằm hẳn ở phía đông mới đúng. 2. Các đòn tay tuy thấp hơn nhưng cũng bắc theo hướng đông tây như đòn đông, vì sao không gọi tương tự đòn đông?
Thực ra, đông trong đòn đông chính là đống trong lương đống. Từ đống ngoài nghĩa “cột nhà”, còn có nghĩa là “cái đòn nóc nhà” (Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, NXb KHXH, 2004, tr.307), tức “đòn đông”. Đống ~ đông chỉ là một bước ngắn giữa hai thanh cùng âm vực cao là sắc và ngang, cũng như nhé ~ nhe, ới ~ ơi…
Th.S PHẠM TUẤN VŨ