Nhà folklore Hà Giao: Một đời gắn bó với văn hóa, văn nghệ dân gian
Hội đồng chuyên ngành của Bộ VH-TT&DL vừa công bố danh sách các hồ sơ tác giả đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021. Kết quả, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) Hà Giao là 1 trong 7 tác giả có công trình thuộc lĩnh vực văn nghệ dân gian được đề nghị xét tặng danh hiệu trên. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng dành cho nhà folklore Hà Giao, người từng dành cả cuộc đời gắn bó với nền văn hóa, văn nghệ dân gian.
1. Nhà folklore Hà Giao tên thật là Đặng Phùng Mãi. Ông sinh năm 1937 tại thôn Tiên An, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Gia đình Hà Giao có 8 anh chị em và ông là con trai út. Riêng về cái tên Hà Giao, đây là bút danh mà Đặng Phùng Mãi chọn theo địa danh một ngôi làng của người dân tộc thiểu số ở xã Canh Liên, huyện miền núi Vân Canh - địa bàn mà Đặng Phùng Mãi hoạt động cách mạng.
Nhà folklore Hà Giao (đeo kính) tại một lễ hội miền núi
Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nên ngay từ thuở nhỏ, những hình ảnh, màu sắc của rừng - núi, sông - suối, mây trời, hoa - lá, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số và âm thanh của tiếng suối, tiếng chim hót, tiếng kêu của muông thú, âm thanh của những điệu cồng chiêng và lời kể Hơ mon của các già làng đã đi vào tâm thức của ông.
Sinh thời, Hà Giao có khá nhiều tác phẩm văn, thơ viết về miền núi và về quê hương Vĩnh Thạnh. Trong đó có không ít những câu thơ hay như: “Kơtoang/ gợi chuyện nghìn năm/ bởi tôi/ là con trai Chăm/ và em/ là con gái Việt/ gặp nhau/ nhờ Kroong Xim.../ Trời sinh ra nhiều dân tộc/ làm cho đất đẹp muôn màu/để người hôn người thắm thiết/ xin đừng ngoảnh mặt/lòng đau” (Đôi Kơtoang).
2. Hà Giao không chỉ là một nhà folklore mà còn là một người lính cầm bút, một nhà báo, một nhà thơ.
Năm 1955, chưa đầy 18 tuổi, chàng trai trẻ Đặng Phùng Mãi đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà. Năm 1960, Hà Giao thoát ly và gia nhập LLVT tại huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn).
Năm 1965, ông đã là phóng viên của Báo Văn nghệ Quân khu 5 và cùng hoạt động với các văn nghệ sĩ: Nguyễn Chí Trung, Vương Linh, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Phan Tứ, Lê Ái Mỹ, Dương Hương Ly, Nguyễn Thế Vinh... Đặc biệt, năm 1968, Hà Giao đã có truyện ngắn “Cái rựa” được trao Giải thưởng Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ....
Thế rồi, năm 1971, trong một trận đánh ở chiến trường Hoài Nhơn, Hà Giao bị thương ở mắt, phải chuyển ra miền Bắc điều trị. Vết thương lớn này đã làm nên “Lời đôi mắt”, một trong những bài thơ hay của Hà Giao với những câu thơ thấm đẫm tình yêu, tình bạn, tình đồng đội. Sau một thời gian điều trị, Hà Giao được phân công về công tác tại Quân khu Tả Ngạn. Năm 1974, ông được chuyển ngành sang làm biên tập viên Đài Phát thanh giải phóng - Hà Nội cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Sau năm 1975, Hà Giao trở về quê hương và làm biên tập viên Báo Nghĩa Bình. Sau đó, ông được phân công về công tác tại Sở VH&TT, làm Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, rồi làm Trưởng phòng Văn nghệ. Đây là giai đoạn mà ông có dịp tham gia nhiều lễ hội văn hóa miền núi, miền biển và thực hiện nhiều chuyến công tác, điền dã, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian…
Hà Giao là nhà báo, nhà văn với nhiều thành công trên các lĩnh vực: Thơ, truyện ngắn, bút ký, trường ca. Về thơ, trường ca, Hà Giao từng xuất bản 5 tập, gồm: Giọt mưa, Tấm áo vỏ cây, Từ Krông Bung, Nắng tím, Đất tháp mơ; Về truyện, ký, ông có các tập: Cái rựa, Ngôi sao rừng dừa... Đặc biệt, ở mảng nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, Hà Giao đã xuất bản một loạt công trình, tác phẩm khá bề thế, giá trị, nhất là những tác phẩm về Bahnar Kriêm...
3. Có thể nói, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian là lĩnh vực mà nhà folklore Hà Giao dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết và gặt hái nhiều thành công hơn cả. Thật vậy, chỉ từ năm 1994 đến 2010 Hà Giao đã xuất bản một số lượng tác phẩm khá bề thế, như: Truyện cổ Bahnar Kriêm (NXB Văn hóa Dân tộc - 1994); Dyông Wiwin (Trường ca Bahnar - NXB Kim Đồng - 1997); Chàng Dyông (Trường ca Bahnar - NXB Kim Đồng - 1998); Sử thi Bahnar Kriêm tập 1 (NXB Văn hóa Dân tộc - 1999); Sử thi Bahnar Kriêm tập 2 (NXB Văn hóa Dân tộc - 2000); Sử thi Bahnar Konhđeh tập 1 (NXB Đà Nẵng - 2002); Hơamon Bahnar Konhđeh (NXB Đà Nẵng - 2003); Hơamon Bahnar Giolơng (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2009); Câu hò bên sông Kôn (NXB Đà Nẵng - 2010)…
Người Bahnar (Bana) sinh sống chủ yếu là địa bàn từ Bình Định đến Đắk Lắk và tùy theo nhóm địa phương mà có những tên gọi khác nhau, như: Kriêm, Giolơng, Tôlô, Gơlai… Bên cạnh đó, mỗi nhóm địa phương Bahnar lại có những bản sử thi (gọi là hơamon) khác nhau. Đáng lưu ý, mỗi bản sử thi là một tác phẩm văn hóa - nghệ thuật tổng hợp, thu hút hầu hết các giá trị văn hóa - nghệ thuật vốn có của dân tộc, như: Thơ ca, thần thoại, truyền thuyết, âm nhạc, diễn xướng… Nội dung cốt lõi của các hơamon là sự khẳng định cái thiện, cuộc đấu tranh với cái ác và chiến thắng của cái thiện… Trong số những công trình, tác phẩm của Hà Giao, công phu, giá trị nhất là những công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những công trình về Sử thi Bahnar Kriêm, Sử thi Bahnar Konhđeh, Hơamon Bahnar Konhđeh, Hơamon Bahnar Giolơng, truyện cổ Bahnar Kriêm….
4. Cuối năm 2011, trong lúc đang thực hiện một số công trình nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số thì nhà folklore Hà Giao bị tai biến và ra đi đột ngột. Trải qua gần 75 năm tuổi đời với trên 55 công tác, nhà báo, nhà thơ, nhà folklore Hà Giao đã cống hiến cho đời khá nhiều công trình, tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực: Thơ, truyện ngắn, bút ký, trường ca, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Với những cống hiến đó, Hà Giao đã được Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh và các bộ, ngành trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, như: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày…
Về chuyên môn, nhà folklore Hà Giao được trao khá nhiều giải thưởng, như: Giải ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1995); Giải khuyến khích của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH&NT Việt Nam (1996); Giải ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1998); Giải nhì của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2001); Giải ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2002); Giải A Giải thưởng của Hội VH&NT các dân tộc thiểu số Việt Nam (2004); Một số giải thưởng Giải VH&NT Đào Tấn - Xuân Diệu (giải B lần thứ II-2002; giải A lần thứ III-2007; giải A lần thứ IV- 2013)…
Đặc biệt, Hội đồng chuyên ngành của Bộ VH-TT&DL vừa họp xét danh sách các hồ sơ tác giả đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2021. Kết quả, cụm tác phẩm: Truyện cổ Bahnar Kriêm, Sử thi Bahnar Kriêm, Sử thi Bahnar Kriêm - Bahnar Konhđeh, Hơamon Bahnar Giolơng của nhà folklore Hà Giao đã được đề nghị xét tặng danh hiệu trên. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng dành cho nhà folklore Hà Giao, người từng dành cả cuộc đời gắn bó với nền văn hóa, văn nghệ dân gian.
VIẾT HIỀN