Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu
Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã nỗ lực không ngừng nghỉ, góp phần khẳng định bản chất, truyền thống tốt đẹp “Trung với Đảng, hiếu với dân; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Quyết chiến, quyết thắng
Cùng với sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, LLVT tỉnh đã sớm ra đời vào ngày 19.7.1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự giúp đỡ đùm bọc và nuôi dưỡng của nhân dân, LLVT tỉnh đã phát huy tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, dựa vào nhân dân để chiến đấu và lập nhiều chiến công vang dội.
Mùa thu năm 1945, tuy còn non trẻ nhưng trước khí thế cách mạng sục sôi, các đội Tự vệ cứu quốc và Tự vệ sắt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là làm nòng cốt trong tổng khởi nghĩa ở tỉnh, giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 23.8.1945. Hay như năm 1968, bộ đội tỉnh, huyện và dân quân du kích của tỉnh đã đánh 2.060 trận, diệt 16.436 tên địch, bắn rơi và phá hủy 132 máy bay, phá hỏng và bắn cháy 493 xe quân sự… giành quyền làm chủ các mức độ khác nhau ở 114 thôn trong 45 xã.
Năm 1975, LLVT tỉnh lúc này có 2 trung đoàn được thành lập là Trung đoàn 92 và Trung đoàn 93 trên cơ sở các tiểu đoàn trực thuộc tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quân và dân Bình Định phối hợp với các đơn vị chủ lực của Quân khu tiến công giải phóng các địa phương trong tỉnh. Đến 20 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng Quy Nhơn, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định, đánh dấu thời điểm giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những năm đầu sau giải phóng, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary công khai bộc lộ bản chất cực đoan, phản động. Năm 1978 chúng mở cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Tổ quốc và thi hành họa diệt chủng ở Campuchia. Theo đại tá Nguyễn Hùng Anh, nguyên Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Chấp hành mệnh lệnh của Quân khu, Bộ CHQS tỉnh đã điều động Tiểu đoàn 50 anh hùng cùng với 3 đại đội của huyện (Sơn Tịnh, Đức Phổ và Phù Mỹ) sang chiến trường Campuchia. “Riêng tôi nhập ngũ tháng 5.1978 khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sau khi được huấn luyện tại Đoàn 860 (Quân khu 5) được bổ sung về Cục Chính trị Quân khu 5 để sang chiến trường Campuchia. Khi ấy, các chiến sĩ của Quân khu 5 được giao nhiệm vụ đánh Pol Pot từ khu vực cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) lên các khu vực Banlung, Bar Keo, Veun Sai thuộc tỉnh Ratanakiri và dọc theo khu vực biên giới của 2 tỉnh Stung Treng và Mundolkiri (Campuchia). Các đơn vị đã chiến đấu lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần cùng với quân dân cả nước làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”, đại tá Anh nhớ lại.
Ghi dấu trên mọi mặt trận trong thời bình
Tiếp nối truyền thống anh hùng đó, trong thời bình, LLVT tỉnh cũng làm tốt nhiệm vụ trên mọi mặt trận công tác. Trong đó, phong trào thi đua Quyết thắng của LLVT tỉnh gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước của địa phương, bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tính chất hoạt động của mỗi loại hình cơ quan, đơn vị và đạt được hiệu quả rất thiết thực.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (đầu tiên bên phải) trò chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ tại khu cách ly đặt tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát). Ảnh: HỒNG PHÚC
Đại tá Nguyễn Minh Hiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết: “Điểm nhấn của phong trào là đã tập trung thực hiện tốt các khâu đột phá nhằm khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Đồng thời, LLVT tỉnh cũng đã cụ thể hóa 4 nội dung cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với quy định về chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Từ đó, đã khơi dậy ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức để giành những thành tích mới cao hơn trên các mặt công tác”.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng các tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ vững chắc.
Trong công tác huấn luyện hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều hoàn thành kế hoạch huấn luyện cho các đối tượng. Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, chia sẻ thêm: “Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá về huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, xây dựng sáng kiến cải tiến, luyện tập, diễn tập sát thực tế. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ”.
Ngoài ra, LLVT tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như đảm bảo chính sách hậu phương quân đội. Đặc biệt, từ khi tỉnh xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 6, lực lượng quân đội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực cùng các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất.
Trong đó, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập 30 khu cách ly với khả năng sẵn sàng tiếp nhận khoảng 4.200 người; 45 khu cách ly dự phòng, khả năng tiếp nhận khoảng 5.680 người và đã tiếp nhận hơn 3.830 người vào cách ly. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Bộ CHQS tỉnh cũng đã hỗ trợ 2,3 tỷ đồng cho Bộ CHQS hai tỉnh Chămpasăk và Atapư (Lào) phòng, chống dịch và xây dựng doanh trại. Những việc làm đó đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ của LLVT tỉnh.
HỒNG PHÚC