KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23.10.1961 - 23.10.2021)
Kỳ tích như huyền thoại
Đường Hồ Chí Minh trên biển với điểm nhấn là hình ảnh “Đoàn tàu không số” đã đi vào lịch sử dân tộc bằng những chiến công lẫy lừng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Con đường huyền thoại
Ngày 23.10.1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 (từ ngày 24.1.1964 đổi là Đoàn 125 Hải quân), tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Đài tưởng niệm Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Quân khu 5 - đã được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: VĂN LƯU
Ngày 8.4.1962, chuyến tàu đi trinh sát và mang chỉ thị của Trung ương về “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” đã đến miền Nam. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện, tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau đó, ngày 11.10.1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 chở vũ khí dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng). Đến ngày 16.10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, đánh dấu việc khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển nối liền hai miền Nam - Bắc.
Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh (87 tuổi, hiện ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) - người đã làm thuyền trưởng của nhiều tàu không số, đi được 12 chuyến, vào nhiều bến, vận chuyển gần 800 tấn hàng, đưa 18 lượt cán bộ tăng cường cho chiến trường miền Nam, cho biết: Để tránh tai mắt của địch, hầu hết các con tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, không mang số hiệu cố định và liên tục thay đổi lộ trình. Vì vậy, tên gọi “tàu không số” cũng bắt đầu ra đời từ đây. “Người ta hay nói là tàu không số vì cứ qua vùng biển mỗi quốc gia, tàu lại gắn một số khác, cờ khác; nhưng khi về lại nơi xuất phát thì tàu không gắn số nào. Nhưng thật ra mỗi con tàu đều mang một số hiệu đăng ký tại chỉ huy sở”, ông Thạnh kể.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải chiến lược lớn, tồn tại suốt 14 năm. Nó được tổ chức rất bí mật và chặt chẽ từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng đến bến bãi đổ hàng, người bốc dỡ… dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam. Nhờ có những chuyến hàng từ tàu không số mà bộ đội chủ lực, dân quân ở miền Nam đã có nhiều loại vũ khí hiện đại, góp phần lập nên những chiến công vang dội.
Trong 14 năm (1961 - 1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, huy động được gần 2.000 lượt chiếc tàu, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, góp phần chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa với tới được.
Ghi dấu trên đất anh hùng
Trong những năm tháng chiến đấu quật cường, “Đoàn tàu không số” huyền thoại cũng đã hiện diện ở mảnh đất Hoài Nhơn anh hùng. Đó là vào ngày 1.11.1964, tàu 401 chở hơn 30 tấn vũ khí cập bến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) an toàn. Số vũ khí tiếp nhận được đã trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu 5 và LLVT tỉnh. Trong chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965, quân và dân Bình Định đã làm nên những chiến thắng vang dội như: An Lão (tháng 12.1964), Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (tháng 2.1965)… và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi. Từ đó, tạo thế và lực mới bước vào giai đoạn chống “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Các cựu binh tàu không số trò chuyện, ôn lại kỷ niệm khi về thăm Di tích bãi biển Lộ Diêu, nơi tàu 401 chở hơn 30 tấn vũ khí cập bến an toàn vào ngày 1.11.1964. Ảnh: VĂN LƯU.
Để nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, năm 2005, Di tích bãi biển Lộ Diêu được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Trên tấm bia di tích ghi rõ thời gian chiếc tàu vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường cập bến Lộ Diêu vào ngày 1.11.1964. Đó là chuyến tàu đầu tiên cập bến Khu 5, góp phần vào sự hình thành của con đường huyền thoại “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Đồng thời, cuối năm 2019, Đài tưởng niệm Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu Không số chi viện vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Quân khu 5 - đã được khánh thành. Di tích được đầu tư giai đoạn 1, gồm: Đền bù giải phóng mặt bằng (kinh phí địa phương 2,3 tỷ đồng), tôn tạo Đài tưởng niệm, bia di tích và các hạng mục phụ trợ (do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân hỗ trợ hơn 13,5 tỷ đồng).
CCB Nguyễn Dậu (89 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) nguyên chiến sĩ thông tin phục vụ “Đoàn tàu không số” xúc động khi về thăm di tích: “Khi được nhìn thấy một phần con tàu được làm bằng đá, mô phỏng con tàu không số năm xưa tại di tích, những kỷ niệm với đồng đội năm ấy cứ thế ùa về. Họ là những người dù biết trước có thể sẽ hy sinh, nhưng vẫn giữ vững lòng tin, không hề sợ hãi, không hề do dự, “ngồi” trên hàng tấn thuốc nổ để làm nhiệm vụ”.
Đầu tư xây dựng di tích chỉ là bước đi đầu tiên. Để lịch sử sống mãi trong lòng người dân mới là vấn đề quan trọng trước mắt lẫn lâu dài.
Từ khi di tích bãi biển Lộ Diêu được nâng cấp, đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong tỉnh. Chị Huỳnh Thị Bích Trang, Bí thư Thị đoàn Hoài Nhơn, chia sẻ: “Chiến tranh lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng các thế hệ người Việt Nam sẽ không bao giờ quên, trong thắng lợi vĩ đại đó của dân tộc, có phần đóng góp công sức, xương máu của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay cũng hứa tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, hăng hái đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
XUÂN NHÂM