Một thời đạn bom, một trời tự hào
Trong những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Bình Định, Trung đoàn 22 anh hùng đã để lại những chiến công hiển hách.
Hành trình của một đơn vị anh hùng
Ngày 15.3.1965, Trung đoàn 1 thuộc Quân khu Hữu Ngạn (tiền thân của Trung đoàn 22) được thành lập tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau thời gian rèn luyện, ngày 15.6.1965, Trung đoàn nhận lệnh lên đường vào Nam. Sau hơn 3 tháng hành quân vượt Trường Sơn vào đến chiến trường Trung Trung bộ, Trung đoàn đứng chân ở vùng rừng núi giáp các huyện Hoài Ân, An Lão (tỉnh Bình Định), Ba Tơ, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi).
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân của Trung đoàn 22. Ảnh: VŨ TRƯỜNG QUÂN
Ngày 2.9.1965, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5 được thành lập tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân; gồm 3 Trung đoàn 2, 12, 22 với các mật danh “Quyết Chiến”, “Quyết Thắng”, “Quyết Tâm” và các đơn vị trực thuộc. Từ đó, Trung đoàn 1, Quân khu Hữu Ngạn trở thành Trung đoàn 22 nằm trong biên chế của Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Trong giai đoạn 1965 - 1970, hoạt động ở chiến trường Bình Định và Quảng Ngãi, Trung đoàn 22 phải đương đầu với các đơn vị tinh nhuệ của Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, Lữ đoàn Không vận 173 của Mỹ, Sư đoàn 2 và Sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hòa...
Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn ác liệt nào, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 cũng luôn kiên cường, tham gia những trận đánh cực kỳ ác liệt, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần viết nên bản thiên anh hùng ca bất diệt về lòng yêu nước nồng nàn.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 1.9.2020, Trung đoàn 22 được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiến công hiển hách
Trong những ngày chống Mỹ ác liệt nhất, Trung đoàn 22 đã có mặt trên nhiều điểm nóng ở chiến trường Bình Định. Mỗi trận đánh là một chiến công oanh liệt, khiến quân thù bạt vía.
Ngày 28.1.1966, mở đầu cuộc hành quân phản kích chiến lược lần thứ nhất, 2 vạn quân Mỹ, ngụy và chư hầu do Tư lệnh Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 Mỹ chỉ huy ào ạt đánh ra Bồng Sơn và Tam Quan. Khi Lữ đoàn 3, Sư đoàn Kỵ binh số 1 vừa đổ quân xuống khu vực Bồng Sơn - Tam Quan đã gặp ngay Trung đoàn 22 của ta chờ sẵn, chủ động tiến công. Suốt 4 ngày đêm (từ 28 đến 31.1.1966), Trung đoàn 22 đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 đại đội thuộc Lữ đoàn 3.
Giáp Tết Bính Ngọ (tháng 1.1966), Trung đội 3, Đại đội 93, Tiểu đoàn 9 đóng quân ở Chợ Cát (Phụng Du, Hoài Hảo, Hoài Nhơn). Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chiểu (nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, nguyên Trợ lý tác chiến Trung đoàn 22) nhớ lại, đó là lần đầu tiên đơn vị được ăn Tết, đón Xuân cùng nhân dân miền Nam và sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu đánh địch càn quét.
“Chưa hết hương vị Tết ngọt ngào thì không khí chiến tranh tàn khốc đã ập tới. Bầu trời Hoài Nhơn bỗng rung động bởi những tiếng gầm rú của các loại máy bay. Trong chiến hào, chúng tôi bình tĩnh, tự tin, chờ địch đến gần. Tôi chỉ huy đơn vị đồng loạt nổ súng, quyết tâm lập công mở màn trận đánh Mỹ đầu tiên”, thiếu tá Chiểu kể. Bị bất ngờ, quân Mỹ chết rất nhiều, ngã như chuối đổ. Chúng lùi ra xa, gọi pháo cối bắn vào trận địa ta.
Lần đầu đánh Mỹ, nhưng Trung đội 3 chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt được nhiều lính bộ binh và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, góp phần cùng Trung đoàn 22 bẻ gãy 1 trong 5 mũi tên của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất mùa khô 1965 - 1966.
Sau chiến công đầu ở khu vực Bắc Hoài Nhơn gắn liền với địa danh Chợ Cát, Trung đoàn 22 tiếp tục ghi dấu ở chiến trường Hoài Ân.
Tháng 10.1966, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Đông - Xuân (1966 - 1967) nhằm đánh quỵ cả hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của địch. Nhiệm vụ của Sư đoàn 3 trong chiến dịch này là đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” của Mỹ, tập trung tiêu diệt các “điểm tựa” của chúng sâu trong vùng giải phóng. Ngày 17.12.1966, trận đánh mở màn của Sư đoàn 3 là trận phục kích tại 2 thôn Long Giang và Lộc Giang (Ân Tường, Hoài Ân). Từ 10 giờ đến 19 giờ, Trung đoàn 12 đã diệt gần hết 4 đại đội Mỹ, bắn rơi 12 máy bay lên thẳng.
Sau trận Long Giang, Lộc Giang, Sư đoàn 3 tổ chức trận tập kích cụm quân Mỹ đang đóng giữ tại đồi Xuân Sơn (Ân Hữu, Hoài Ân). Trận này do Trung đoàn 22 đảm nhiệm.
Lúc đó Trung đoàn 22 đang ở phía Bắc huyện An Lão, phải hành quân 2 ngày, 2 đêm mới tới vị trí tập kết. Mọi việc chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn tất vào đêm 23.12.1966, nhưng trưa ngày 24 trời đổ mưa lớn, nước lũ tràn về ngập đầy sông, suối, đồng ruộng. Các vị trí đặt hỏa lực cũng ngập nước. Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 22 quyết định lùi thời gian nổ súng 2 ngày nữa. Căng thẳng nhất lúc đó là bảo đảm bí mật, vì bộ binh đã vào vị trí xuất phát xung phong; dừng lại 2 ngày trong điều kiện ấy là cực kỳ phức tạp. Máy bay địch thường xuyên quần lượn tuần tra trên đầu. Bom pháo không ngớt dội xuống xung quanh căn cứ để bảo vệ cho quân đồn trú. Chỉ huy Trung đoàn 22 quyết định chuyển đội hình áp sát hơn nữa vào căn cứ địch để tránh sát thương và tạo thêm bất ngờ.
Giữa lúc bọn địch đinh ninh đối phương không còn cơ hội để tiến công, 1 giờ sáng ngày 26.12, Trung đoàn 22 bất thần nổ súng. Một tiểu đoàn pháo binh và công binh Mỹ không kịp phản ứng dưới hỏa lực đánh gần và các tay súng bộ binh ta. Trận đánh áp đảo, kết thúc nhanh gọn.
Theo đại tá Nguyễn Thanh Lịch (nguyên Trung đội phó thông tin thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22; hiện là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Bình Định), đó là một chiến công đặc biệt xuất sắc. Quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 600 tên địch, bắn rơi 5 trực thăng, phá hủy 11 khẩu pháo, thu 34 súng. Trên đường rút quân, ta còn diệt thêm 120 tên địch, bắn rơi 1 trực thăng.
Trận tập kích Xuân Sơn đã kết thúc giòn giã đợt một chiến dịch Đông - Xuân (1966- 1967) của Sư đoàn 3, giáng một đòn nặng vào chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” để càn quét dai dẳng của quân Mỹ. Trong tổng kết của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, trận Xuân Sơn được đánh giá là trận điển hình của Quân khu về tập kích diệt gọn tiểu đoàn Mỹ trong công sự, mở ra khả năng cho trung đoàn chủ lực thực hiện rộng rãi hình thức tập kích diệt gọn từng tiểu đoàn Mỹ.
Đất hóa tâm hồn
Chiến tranh lùi xa, quê hương hồi sinh, xanh lên hy vọng. Những chiến sĩ giải phóng quân năm nào thỉnh thoảng lại trở về thăm chiến trường xưa để tri ân đồng đội, đồng bào.
Lần nào về thăm lại mảnh đất từng một thời lửa đạn như Bà Bơi, Xuân Sơn, Gò Loi, Núi Chéo... thắp hương viếng đồng đội ở các nghĩa trang liệt sĩ Hoài Ân, Đồi 10, An Lão..., CCB Phạm Quốc Bảo cũng bồi hồi xúc động. Khó có thể nói hết tình cảm của những người đồng đội, đồng chí đã từng một thời đồng cam cộng khổ, sống chết bên nhau.
“Tôi càng bâng khuâng, xúc động nhớ tới hàng trăm bạn cùng lứa tuổi trẻ hăng hái khoác ba lô, rời quê hương miền Bắc vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ ngày nào, nay không thể thấy mặt trong cuộc hội ngộ. Xót xa hơn, nhiều đồng đội nằm lại trong các nghĩa trang với tấm bia mộ “Liệt sĩ chưa biết tên”, hoặc còn nằm ở đâu đó trong rừng sâu núi thẳm”, ông Bảo tâm sự.
Còn rất nhiều những dòng tâm sự ấm nồng tình đồng đội của những cựu binh Trung đoàn 22 Anh hùng, như: Mai em về anh vẫn ở lại đây/ Trời Bình Định một màu mây trắng/ Hàng bia mộ chập chờn chiều nhạt nắng/ Em về rồi đồng đội vẫn bên anh (Nguyễn Năng Chủy).
Và, thật xúc động là nỗi niềm của những người đi qua cuộc chiến với mảnh đất gắn liền một thời trẻ trai hào hùng của mình: Sông chảy từ ngàn xưa chảy đến mai sau/ Đã có một thời mang tên dòng sông máu/ Lại Giang ơi, cùng tôi những đêm chiến đấu/ Tôi nợ “Người” vì chưa trở lại với dòng sông! (Nguyễn Văn Đạo).
NGUYỄN VĂN TRANG