Về đây, đồng đội ơi!
“Alo, cô Tuyết à, chúng tôi là lính Sư 3 Sao Vàng đây...” - mỗi lần nghe cuộc điện thoại như thế này, bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết (69 tuổi, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) lại hồ hởi mừng vui như thể sắp được gặp những người thân thương tại nơi thành lập Sư đoàn (dốc Bà Bơi, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân).
1. Đêm đêm, bà Tuyết hay trở mình. Không ngủ được nữa, bà nằm im, gác tay lên trán nghĩ: Dịch giã thế này, năm nay chắc không có đoàn CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng nào về thăm chiến trường xưa dịp 2.9, nhân kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Sư đoàn (2.9.1965 - 2.9.2021). Nghĩ vậy, nhưng bà không khỏi thấp thỏm mong chờ…
Các CCB của Tiểu đoàn Pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng chụp hình kỷ niệm trước Nghĩa trang liệt sĩ xã Bok Tới, huyện Hoài Ân đầu tháng 4.2021 nhân dịp Tiểu đoàn tổ chức gặp mặt. Ảnh: Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Những ngày mùa thu tháng Tám, bà thường mơ thấy mình - cô thôn nữ 16 tuổi xứ dừa Tam Quan (TX Hoài Nhơn) da trắng, nhanh nhẹn, háo hức đi vào chiến trường Hoài Ân với quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho quê hương, đất nước. Lúc đầu, bà làm giao liên, du kích, sau làm y tá chiến trường. Nhiều CCB Sư đoàn 3 khi gặp lại bà, vẫn nhớ hình ảnh cô gái xinh xắn, tươi vui, luôn mau mắn giúp đỡ người khác... Hiện bà Tuyết là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Gia Chiểu 1, thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), Trưởng Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Hoài Ân và là Trưởng ban tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của huyện.
2. Những ngày qua, ở huyện Đông Anh (Hà Nội), ông Đặng Thanh Hiểu, 82 tuổi, thành viên Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Hà Nội cứ thao thiết nhớ về quãng thời gian làm Tiểu đoàn phó Pháo cao xạ, sống và chiến đấu suốt 10 năm tại Hoài Ân cũng như một số huyện, thị xã của tỉnh Bình Định. Ông nhẩm tính, từ năm 2001 đến nay, cũng đã gần 20 lần về Bình Định rồi, nhưng sao vẫn cứ muốn đi, muốn về.
Hồi đầu tháng 4.2021, Tiểu đoàn Pháo cao xạ tổ chức gặp mặt tại huyện Hoài Ân. Ai cũng muốn quay về nơi mình đã sống, chiến đấu suốt quãng đời tuổi trẻ đầy sôi nổi, hào hùng. Buổi gặp mặt có 26 con người ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Họ ròng rã đi về hơn 10 ngày đến nhiều chiến trường xưa khắp Bình Định. Tháp tùng đoàn suốt từng ấy ngày đêm là bà Tuyết. Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Hà Nội đã xem bà Tuyết là “thổ địa” ở Hoài Ân, nhà của bà là “văn phòng thường trực” của anh em CCB Sư đoàn. “Cô Tuyết luôn là chỗ dựa để chúng tôi yên tâm quay về quê hương thứ hai của mình”, ông Hiểu chia sẻ.
3. Lần nào đón đoàn CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng các tỉnh, thành về Hoài Ân, bà Tuyết cũng tranh thủ cập nhật tình hình địa phương cho các đồng đội cũ. Bà nhớ hoài lời phát biểu của các đoàn, gửi gắm việc hương khói đến số chiến sĩ Sư
đoàn 3 nằm lại Bình Định (khoảng 18.000 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó mới có vài nghìn liệt sĩ được đưa về với người thân). Bà tâm niệm làm được gì cho đồng đội ở cõi vĩnh hằng thì làm hết mình. Hầu như năm nào, bà cũng đón 1 - 2 gia đình liệt sĩ vào Hoài Ân tìm mộ hoặc hài cốt từ thông tin mách bảo. Trong những lần đi tìm mộ, bà Tuyết luôn chủ động chuyện trò suốt dọc đường, động viên người nhà, trấn an tâm lý họ sau mỗi lần đào bới ròng rã nhiều ngày mà không có kết quả gì.
4. Sư đoàn 3 Sao Vàng đã trở thành một phần đời của bà Tuyết. Quyết định ở lại quê, sớm hôm thui thủi một mình vì các con đều lập nghiệp nơi xa, trong nhiều lý do, bà Tuyết có nỗi đau đáu làm “cầu nối” để các chiến sĩ Sư đoàn 3 về lại chiến trường xưa, để gia đình liên lạc vào tìm hài cốt, mộ liệt sĩ. Bà bảo, còn khỏe lúc nào thì còn tiếp tục bắc những nhịp cầu giữa đồng đội cũ và nơi thành lập Sư đoàn. Mấy tuần nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân xuất hiện dịch bệnh, cô y tá Sư đoàn 3 Sao Vàng một thời giờ bận bịu tham gia nấu ăn cho các chốt kiểm soát dịch. Nấu cả ngày, tối bà Tuyết mới rảnh tay. Bà tính hôm nào hết dịch thì lên Nghĩa trang liệt sĩ xã Bok Tới, thắp cho đồng đội đã ngã xuống nén hương.
Ông Đặng Hùng, Phó Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Bình Định, cho biết, các đoàn CCB của Sư đoàn thường xuyên liên lạc với bà Tuyết, nhờ bà hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các đoàn giao lưu với chính quyền địa phương, thăm chiến trường xưa, tìm mộ liệt sĩ, đi thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng hay trẻ em khó khăn trên những địa bàn từng một thời là chiến trường đầy lửa khói. “Cũng như một số CCB đang làm cầu nối đồng đội cũ với chiến trường xưa trên địa bàn tỉnh, tấm lòng, sự tâm huyết mà bà Tuyết dành cho đồng đội cũ rất đáng trân trọng”, ông Hùng khẳng định.
NGỌC TÚ