Vươn tầm khát vọng
Mươi năm trước, Bình Định được biết đến là một thành phố biển yên bình, có nhịp sống chậm rãi. Sự bình yên ấy đến nay vẫn vậy, nhưng nhịp sống đã trở nên sôi động, năng động hơn, thay đổi đó có phần đóng góp không nhỏ của vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc khi họ chọn thung lũng Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) để xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE).
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (bên trái) trồng cây lưu niệm với GS Kajita Taakaki (giải Nobel Vật lý năm 2015) tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Ảnh: ICISE
Đến nay ICISE đã mời được 14 nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng 5.500 nhà khoa học nổi tiếng khác về đây thảo luận, trao đổi và truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học đến với thế hệ trẻ. Theo thời gian, ICISE trở thành điểm gặp gỡ lý tưởng của các nhà khoa học. Bình Định bắt đầu có tên trên bản đồ khoa học quốc tế, hơn nữa thành công của ICISE còn tạo tiền đề cho sự hình thành dự án Tổ hợp không gian khoa học, Khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa tại thung lũng này.
“Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Chuyển đổi số và xây dựng Bình Định trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành nghị quyết về chuyển đổi số để tạo cơ chế chính sách mang tính đột phá cho chuyển đổi số của tỉnh”.
Từ ICISE, nhóm nghiên cứu Vật lý neutrino đã tạo nên dấu ấn đặc biệt khi tham gia các thí nghiệm quốc tế về vật lý hạt cơ bản như T2K, Super-Kamiokande tại Nhật Bản. Các công trình nghiên cứu của nhóm đã được cộng đồng khoa học thế giới ghi nhận. Từ cảm hứng ICISE, Bình Định đặt mục tiêu vươn mình trở thành trung tâm phần mềm và công nghệ cao, và dự án Công viên sáng tạo TMA Bình Định (thuộc Công ty TMA Solutions - TP Hồ Chí Minh) tại Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn là đóa hoa đầu tiên. Cùng với hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước, Bình Định đang trở thành thỏi nam châm hút các nhà sản xuất phần mềm. Gần một năm qua, TMA Bình Định đã đưa về Bình Định hàng chục dự án công nghệ cao từ các khách hàng lớn đến từ 15 nước trên thế giới. Ngoài sản xuất phần mềm, công ty còn đặt mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm nghiên cứu, thiết kế sản phẩm “Made in Vietnam” và đã thực hiện thành công 10 dự án nghiên cứu phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT).
Không chỉ phát triển phần mềm, Công ty TMA Solutions muốn đưa Bình Định trở thành “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Công ty TMA Solutions
Với chính sách ưu tiên phát triển nhân lực, TMA Solutions đang dần biến Bình Định vừa trở thành cực thu hút nhân lực chất lượng cao, vừa là nơi đào tạo lao động phục vụ cho lĩnh vực công nghệ thông tin. TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HÐQT Công ty TMA Solutions, trải lòng: “Chúng tôi không chỉ giúp tỉnh giữ lại nguồn chất xám địa phương, mà còn thu hút chuyên gia từ mọi nơi trở về góp sức xây dựng, phát triển quê hương Bình Định”. Hiện TMA Solutions có nhiều chương trình liên kết đào tạo nhân lực với các trường đại học trong nước để có thể hoàn thành mục tiêu tuyển được 200 kỹ sư mỗi năm và đến năm 2025 đạt mức 1.000 kỹ sư/năm. Cùng với TMA Solutions, Tập đoàn FPT với dự án Phân hiệu Trường ĐH FPT tham vọng xây dựng khu tổ hợp công nghệ - giáo dục lớn thứ 5 của FPT trên cả nước tại Bình Định, có quy mô đào tạo trên 5.000 sinh viên/năm.
Bình Định cũng đã “lên tàu” chuyển đổi số với quyết tâm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong lĩnh vực này. Với sự đồng hành của Tập đoàn FPT, Bình Định đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả ba trụ cột là Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. Chương trình chuyển đổi số đang hướng tới xây dựng Quy Nhơn trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh tỉnh (đặt tại Sở TT&TT) được đưa vào vận hành thí điểm và đang từng bước phát huy hiệu quả, nhất là huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trung tâm Khám phá khoa học nằm trong Khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa (TP Quy Nhơn). Ảnh: DŨNG NHÂN
Mục tiêu chương trình chuyển đổi số còn đưa Bình Định trở thành trung tâm AI hàng đầu khu vực. Tập đoàn FPT đã chọn Bình Định làm nơi đầu tiên để phát triển các dự án AI phục vụ khách hàng toàn cầu và dự kiến chi 300 tỷ đồng để đồng hành với tỉnh trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển AI trong 5 năm tới. Dự án Trung tâm AI - Đô thị phụ trợ Long Vân của FPT hướng tới xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ chuyên sâu về AI, một trung tâm phần mềm tại Bình Định. Tập đoàn đang hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để lập quy hoạch phát triển tỉnh trở thành trung tâm AI, trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu khu vực.
HỒNG HÀ