Tình nguyện nơi tuyến đầu
Trong cuộc chiến chống Covid-19 ở quê nhà, hay vào hỗ trợ miền Nam, rất nhiều người thay chiếc áo blouse trắng bằng những bộ đồ phòng hộ kín mít, tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.
Đó là câu chuyện 18 nhân viên y tế của Bình Định và 36 nhân viên y tế Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) xung phong tham gia điều trị, chống dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, từ tháng 7.2021 đến nay. Là chuyện của hàng trăm nhân viên y tế tư nhân, nhân viên y tế về hưu, y tế trường học, sinh viên trường y… chung tay chống dịch tại Bình Định.
Những hy sinh rất đáng trân quý
Trong đoàn y tế Bình Định đi vào miền Nam, duy nhất bác sĩ Võ Đông Kinh, khoa Phẫu thuật gây mê & hồi sức (BVĐK tỉnh) cắm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), tham gia trực tiếp điều trị và hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, bác sĩ Võ Đông Kinh kể tôi nghe chuyện từ tâm dịch.
Bác sĩ Võ Đông Kinh cùng tham gia điều trị tại đơn vị Hồi sức bệnh nhân Covid-19, khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy). Ảnh: NVCC
Bác sĩ Võ Đông Kinh được phân công làm việc tại đơn vị Hồi sức bệnh nhân Covid-19, khoa Bệnh Nhiệt đới, mỗi ngày từ 7 giờ đến 17 giờ, hôm nào trực đêm thì liên tục 16 tiếng từ 17 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Công việc của anh là trực tiếp ra y lệnh điều trị thuốc, theo dõi diễn biến bệnh để đưa ra các y lệnh xử trí cấp cứu kịp thời, thực hiện các thủ thuật can thiệp chuyên sâu như cài đặt máy và theo dõi bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, ra chỉ định và thực hiện đặt nội khí quản - thở máy, điều chỉnh thông số máy thở theo diễn tiến bệnh…
“Đây là quãng thời gian rất quý giá, giúp tôi học hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm điều trị lẫn tinh thần và thái độ làm việc chuyên nghiệp của đồng nghiệp. Có những người mẹ 3 tháng trời không được gặp con, chỉ ngắm nhìn qua màn hình điện thoại, có những người không kịp chăm sóc hay gặp mặt lần cuối người thân mắc bệnh nguy kịch. Nơi đây, bệnh nhân Covid-19 cận kề cái chết, người mà họ trao cái nắm tay, nói lời giã từ không phải người thân mà là những y bác sĩ hằng ngày túc trực”, anh chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nguyên sau ca trực liên tục cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng hôm 20.8, tại BVĐK Quận 10 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC
Ca trực ngày 20.8 của bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) cùng đồng nghiệp tại BVĐK Quận 10 (TP Hồ Chí Minh) liên tục cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng. Bác sĩ Nguyên kể: Tụi mình nhận nhiệm vụ điều trị thuộc tầng 2 và 3 theo phân tầng 5 cấp độ điều trị Covid-19, với nhiệm vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân F0 mức độ vừa và nặng. Tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc đặc biệt, không có người nhà nên những việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, vỗ lưng hỗ trợ, động viên an ủi người bệnh đều do một tay bác sĩ, điều dưỡng. Đặc điểm bệnh nhân nhiễm Covid diễn tiến nặng rất nhanh, cần theo dõi rất chặt chẽ, điều chỉnh phương pháp điều trị liên tục nên áp lực rất lớn.
Góp sức cho “cuộc chiến” lớn
Lời kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch tại các địa bàn trong tỉnh được Trường CĐ Y tế Bình Định đưa ra ngày 19.7, đến nay có 75 sinh viên tham gia trên nhiều mặt trận chống dịch.
Sinh viên Nguyễn Thế An, lớp K11 Điều dưỡng (quê ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước), xung phong tham gia trực chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại QL 1A (phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn). An được phân công làm nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục hành chính cho các phương tiện qua lại chốt như làm thủ tục khai báo y tế, kiểm tra phiếu xét nghiệm, giấy tờ, khai thác thông tin đến và đi… Khi trưa nắng, lúc đêm khuya, đặc biệt những ca trực đêm luôn căng thẳng bởi mật độ phương tiện qua chốt rất đông. Công việc không ngơi tay, bộ đồ bảo hộ luôn đầm đìa mồ hôi. “Ban đầu tôi cũng thấy lo, nhưng với sự chỉ dẫn của thầy cô, ba mẹ thường xuyên động viên nhắc nhở cố gắng giữ gìn sức khỏe, rồi cả đội trực cũng nhắc nhở lẫn nhau mỗi ngày nên yên tâm hơn. Tôi chỉ góp chút sức nhỏ của mình mong sớm đẩy lùi dịch để mọi người dân trở lại cuộc sống bình thường”, An bộc bạch.
Sinh viên Trường CĐ Y tế Bình Định xung phong vào vùng dịch, tham gia các công việc hướng dẫn, phân luồng tại điểm tiêm chủng vắc xin, trực chốt kiểm soát y tế phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: THU HIỀN
Khi thông báo tuyển lực lượng tình nguyện, Trường CĐ Y tế Bình Định cũng ưu tiên cho các sinh viên năm cuối tham gia, nhưng sinh viên năm nhất ở lớp Dược 9A Đinh Thị Hiếp (thôn T5, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) xung phong đầu tiên. Cô sinh viên người dân tộc Bana vui vẻ kể: Ban đầu gia đình không đồng ý vì lo lắng nhưng khi có danh sách lập đội, 3 giờ 30 phút sáng 20.7, tôi đi xe máy hơn 100 km để 6 giờ 30 phút có mặt nhận nhiệm vụ tại điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh (Nhà thi đấu đa năng Trường ĐH Quy Nhơn). Sau đó, nhờ thầy giáo gọi điện thoại về để động viên và giải thích cho gia đình yên tâm.
Từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại TX Hoài Nhơn, 20 sinh viên Trường CĐ Y tế Bình Định đã xung phong vào vùng dịch; rồi tiếp đó là 35 - 45 sinh viên tham gia hướng dẫn, phân luồng tại điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19 của tỉnh, 30 sinh viên trực các chốt QL 1A, QL 1D, bến xe khách Quy Nhơn, Cảng cá Quy Nhơn, Trạm Kiểm soát biên phòng Mũi Tấn. Anh Trần Trọng Viên, Bí thư Đoàn trường, cho hay, ngoài các sinh viên đang tham gia, còn nhiều bạn nữa cũng đăng ký sẵn sàng. Nhà trường động viên các bạn tham gia chống dịch với tinh thần cao nhất và tuyệt đối an toàn.
Ngay tại Quy Nhơn, thời điểm khó khăn, quá tải với ngành y tế thành phố, đã có sự góp sức của 26 giảng viên, sinh viên Trường CĐ Y tế Bình Định, 12 nhân viên y tế trường học, và tiếp tục thêm 14 tình nguyện viên đảm đương công việc khai báo y tế, xét nghiệm tại chốt kiểm soát; xét nghiệm trong các chiến dịch tầm soát, điểm test nhanh SARS-CoV-2 công cộng. “Đây là nguồn lực quý bổ sung, giảm tải cho chúng tôi, góp phần thực hiện kịp thời công tác phòng, chống dịch. Các tình nguyện viên tham gia rất tích cực, sẵn sàng gác lại mọi riêng tư để hết lòng với công việc”, bác sĩ CKII Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, bày tỏ.
Bình Định và nhiều địa phương đang trong những tháng ngày khắc nghiệt trước sự hiểm nguy của dịch bệnh Covid-19, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, muôn trái tim cùng chung nhịp đập hướng về vùng dịch.
TS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết, sau 2 đoàn tham gia chống dịch tại Bệnh viện Quận 10 và Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý vận hành tại TP Hồ Chí Minh, bệnh viện đang tiếp tục lên danh sách đoàn bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thứ 3 để vào TP Hồ Chí Minh những ngày tới. Bệnh viện cũng lập phương án nhân lực tổ chức trung tâm điều trị Covid-19 trong trường hợp dịch lan rộng phức tạp tại Bình Định.
THU HIỀN