Chúng tôi thấy vinh dự, tự hào
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, các “chiến sĩ áo trắng” của tỉnh lại xông pha trên tuyến đầu chống dịch. Tạm xa gia đình, tạm biệt cha mẹ già, con thơ ở nhà, họ lên đường và ngày đêm dãi nắng, dầm mưa trực chốt chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19, chung tay góp sức trong cuộc chiến chống dịch.
1. Khắc ghi lời thề Hippocrates, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên, kỹ thuật viên xét nghiệm của ngành Y đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao… để mang lại bình yên, sức khỏe cho nhân dân. Gác lại những việc chưa cấp thiết, với trách nhiệm của người thầy thuốc, họ cũng như tất cả chúng ta hy vọng dịch bệnh mau chóng được khống chế, cuộc sống sớm trở lại nhịp bình thường mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn gửi lời chào, động viên các nhân viên, kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 của khoa Vi sinh (BVĐ tỉnh) tiếp tục nỗ lực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trăn trở làm sao để sớm khống chế được dịch bệnh đang phức tạp ở TX An Nhơn, bác sĩ CKII Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, chia sẻ: Câu hỏi cách nào để dập được các ổ dịch ở An Nhơn là câu hỏi lớn, cần sự đồng lòng của các cấp ngành chứ không chỉ riêng ngành Y tế. Tuy nhiên phần mình, chúng tôi cũng đã thảo luận và đã đề xuất các biện pháp, được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý triển khai.
Hôm đó, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh, bác sĩ Lê Thái Bình đề nghị tại các địa phương có ổ dịch, phân thành 3 vùng: Đỏ, cam, xanh. Vùng đỏ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% người dân theo hộ gia đình. Đồng thời, xét nghiệm RT-PCR cho cả các nhân viên y tế, trực chốt, lái xe và người đi chợ có ổ dịch. Vùng cam và xanh test nhanh toàn bộ. Đề xuất này sau đó được áp dụng trên các vùng dịch toàn tỉnh. Hơn nữa, quan tâm đến sức khỏe toàn dân, bác sĩ Lê Thái Bình còn đề xuất một số biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân được chăm sóc sức khỏe trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều phức tạp.
2. Ngay khi có ca nhiễm Covid-19 xuất hiện đầu tiên tại TX Hoài Nhơn, rồi sau dịch bệnh lan rộng trong tỉnh, không khí làm việc tại khoa Vi sinh, BVĐK tỉnh lại càng khẩn trương, cấp thiết. Tập thể cán bộ y tế nơi đây miệt mài làm việc xuyên ngày đêm, tập trung cao độ để cho kết quả chính xác nhất về mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Chị Trần Thị Thúy Hằng, nhân viên khoa Vi sinh, tâm tình: “Cho dù khó khăn vất vả, hiểm nguy cận kề nhưng chúng tôi không lo lắng nhiều đâu. Đây là lúc tôi cần đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình, mau chóng tìm ra các ca F0 để các địa phương thần tốc truy vết chính xác, không bỏ sót bất cứ trường hợp nào nhằm kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi biết trách nhiệm của mình, dịch bệnh còn kéo dài không thể lơ là giây phút nào”.
Kỹ thuật viên của khoa Vi sinh, BVĐK tỉnh vẫn miệt mài ngày đêm làm nhiệm vụ, đưa kết quả kịp thời cho các địa phương. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Còn tại khu mới và cũ của khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh - nơi đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 thuộc nhóm trung bình nặng - hằng ngày, từng phút, từng giờ, các y, bác sĩ kiên cường “đấu trí” với “giặc Covid” để giành lấy sinh mệnh cho bệnh nhân.
“Đây là trách nhiệm không của riêng ai, nhất là người trong ngành Y tế, không thể nói là không nguy hiểm nhưng nếu mình không làm thì ai làm. “Cuộc chiến” chống dịch Covid -19 vẫn còn dài và chưa biết khi nào kết thúc, còn dịch là còn “chiến đấu”. Chúng tôi vẫn đang cố gắng để cứu chữa từng bệnh nhân và mong muốn mọi người ở bên ngoài hãy tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc… để không bị lây nhiễm Covid-19”, lời tâm tình của bác sĩ CKII Phạm Châu Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) khiến chúng tôi dâng trào cảm xúc, thầm cảm ơn những người khoác áo blouse trắng đang nỗ lực vì bình yên cho mọi người, mọi nhà trong cơn nguy khốn vì dịch bệnh.
3. Không chỉ lực lượng trực chốt, trực chiến ở cơ sở, đội ngũ xét nghiệm, cả những người làm nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng cũng luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng lao vào nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Những ngày Bình Định có những ca dịch đầu tiên ở TX Hoài Nhơn, đoàn công tác của Sở Y tế do Giám đốc Sở Lê Quang Hùng dẫn đầu cùng cán bộ, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã có mặt thường trực, thần tốc dập dịch. Sau đó, khi dịch bệnh bùng phát tại An Nhơn, Phù Cát, cán bộ y tế lại tiếp tục khăn gói lên đường đến các điểm nóng thực hiện nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, khoa Xét nghiệm, TTYT TP Quy Nhơn lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lực lượng truy vết của CDC Bình Định gồm 10 tổ, mỗi tổ có 5 thành viên thường xuyên túc trực, sẵn sàng với nhiều kịch bản và phương án khác nhau. Sau khi có thông tin về các ca nghi nhiễm hoặc F0, tổ bắt đầu phân tích tình hình dịch tễ; khai thác thông tin về lịch trình di chuyển, quá trình tiếp xúc của ca nhiễm, nghi nhiễm, khẩn trương điều tra truy vết đối với các trường hợp F1, sau đó tiếp tục thực hiện các hoạt động truy vết đối với các F2 để luôn sẵn sàng cho những phương án, diễn biến bất ngờ của dịch bệnh. Đồng thời, tổ đánh giá tình hình dịch Covid-19 để đưa ra các cảnh báo kịp thời như thực hiện khoanh vùng, xử lý ổ dịch. “Nhanh chóng, thần tốc, không bỏ sót bất cứ đối tượng nguy cơ nào” là những yêu cầu tối quan trọng của công tác truy vết, để làm được điều đó luôn cần có sự nỗ lực, quyết tâm, luôn chuẩn bị sẵn sàng của các cán bộ truy vết.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với một thành viên trong Tổ phản ứng nhanh của CDC, chị đề nghị không nêu tên và chia sẻ: “Chồng tôi cũng đang chống dịch, con tôi còn nhỏ phải gửi người thân, nhiều khó khăn vất vả, hiểm nguy cận kề nhưng vợ chồng tôi cùng động viên nhau - phải xác định đồng bào cần mình, hơn lúc nào hết, đây chính là lúc người thầy thuốc thể hiện rõ sứ mệnh nghề nghiệp của mình. Chúng tôi thấy tự hào và vinh dự khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình ngay trên tuyến đầu chống dịch”.
THẢO YÊN - ĐOAN NGỌC