An dân để vững nước
“Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Lời dạy ấy của Bác mãi luôn nhắc nhở các thế hệ mai sau phải hết sức hết lòng chăm lo cho dân, bởi dân là cái gốc của cách mạng, dân có an thì nước mới vững.
“Ai cũng có cơm ăn áo mặc”
Một trong những lý do khiến Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam là cả cuộc đời Người đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang trao tiền hỗ trợ cho người dân TX Hoài Nhơn gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: THU DỊU.
Khát vọng đó đã được Hồ Chí Minh theo đuổi từ thời niên thiếu; chứng kiến đời sống nhân dân cơ cực trong lầm than bởi ách đô hộ của thực dân Pháp, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Người lưu ý: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
Người cũng nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.
Làm sao để chăm lo tốt nhất cho đồng bào luôn là nỗi canh cánh trong lòng người lãnh tụ. Trước lúc đi xa, Bác Hồ vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”, với lời căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Nhất quán và xuyên suốt, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh của Đảng, là mục tiêu và cũng là bản chất của nhà nước XHCN “của dân, do dân, vì dân”. Như lời Bác dạy, sứ mệnh cao cả luôn đặt ra cho cấp ủy và chính quyền các cấp trách nhiệm rõ ràng: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Đến với dân, lo cho dân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân là vốn quý, được Đảng và Nhà nước vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên CNXH ở nước ta, trong chiến lược phát triển KT-XH 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm.
Phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.
“Việc chăm lo cho người dân lúc này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị -xã hội. Các đồng chí phải chia nhau bám cơ sở, đến từng xóm, làng, rà soát từng nhà để xem nhà nào khó, người nào thiếu thốn, nhất quyết không để bà con bị đói. Mình phải mang đến hỗ trợ bà con, chứ không phải ngồi đợi bà con tìm đến mình”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Với phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, trước mối nguy từ đại dịch Covid-19, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội tới Chính phủ đều xác định chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngày 1.7.2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong khó khăn, gian khổ càng phải nỗ lực hết sức để chăm lo cho dân mình. Từ ngày 20.7 đến 22.8.2021, tỉnh Bình Định đã thực hiện 7 chuyến bay đưa 1.322 công dân có hoàn cảnh khó khăn từ TP Hồ Chí Minh trở về. Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương vào ngày 23.8, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục triển khai kế hoạch đón người Bình Định có hoàn cảnh khó khăn về từ vùng dịch. Trong đó, ưu tiên cho người đi chữa bệnh đã khỏi nhưng chưa thể trở về quê; phụ nữ mang thai; phụ nữ nuôi con nhỏ; người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Dù biết là rất khó khăn nhưng chúng ta phải tìm cách đưa bà con về. Rất nhiều người có hoàn cảnh ngặt nghèo, nhiều trường hợp rất bức bối chỉ muốn về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Ban đầu làm còn lúng túng, nay chúng ta phải điều chỉnh, kiểm soát tốt, các địa phương phối hợp với hội đồng hương khảo sát, trực tiếp phê duyệt danh sách người đưa về. Sau khi cách ly tập trung 7 ngày, các địa phương phải bố trí phương án cách ly tiếp theo phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo an toàn cao nhất, dứt khoát không để lây ra cộng đồng”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng lưu ý.
Bên cạnh lo đón công dân trở về, công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được đặc biệt chú trọng. Nổi bật, TX Hoài Nhơn đã trích quỹ Cứu trợ của thị xã trên 1 tỷ đồng hỗ trợ 1.422 hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; chi cho 2.660 người lao động tự do 3,99 tỷ đồng, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. “Xác định phải giúp được dân mình trong lúc ngặt nghèo, chúng tôi rút gọn thủ tục đến mức tối thiểu để sớm đưa khoản hỗ trợ đến bà con”, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương chia sẻ.
HOÀI NHÂN