Cháy mãi ngọn lửa Olympic
Diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, Olympic Tokyo 2020 trở thành một trong những Thế vận hội đáng nhớ nhất trong lịch sử. Vượt lên tất cả những khó khăn, các VĐV đã tạo nên những màn tranh tài sôi động để hướng đến những thành tích tốt hơn.
KỲ OLYMPIC ĐẶC BIỆT
Cùng với hầu hết các quốc gia trên thế giới, Olympic Tokyo 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, khiến phải lùi thời gian tổ chức 1 năm. Thậm chí sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh suýt phải hủy bỏ chỉ 1 tuần trước ngày khai mạc, khi phần lớn thủ đô Tokyo bị phong tỏa. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, các cuộc tranh tài không tiếp đón khán giả; trong khi đó, tất cả các lực lượng liên quan, kể cả HLV, VĐV bị giám sát chặt chẽ bởi các quy định phòng, chống dịch. Nhưng tất cả khó khăn, trở ngại đó lại chính là động lực để các đoàn quyết tâm vượt lên chính mình.
Màn pháo hoa kết thúc lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 trên SVĐ Olympic ở Tokyo, Nhật Bản ngày 8.8.2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19, kế hoạch tập luyện, thi đấu cọ xát phải điều chỉnh, nhưng các VĐV vẫn cùng nhau tạo nên một kỳ Olympic có tính cạnh tranh rất cao, với 17 kỷ lục thế giới bị phá. Trong đó, môn bơi chứng kiến nhiều kỷ lục thế giới mới nhất, với 6 kỷ lục được thiết lập ở đường đua xanh. Tiếp đó là môn rowing, với 5 kỷ lục thế giới mới đã được ghi nhận, mặc dù có thời điểm các nội dung thi đấu ngoài trời bị ảnh hưởng không nhỏ bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
3 kỷ lục thế giới khác được lập ở môn điền kinh, trong đó VĐV Karsten Warholm của Na Uy phá kỷ lục của chính mình ở nội dung 400 m chạy vượt rào nam; Sydney McLaughlin (Mỹ) có thêm kỷ lục mới ở nội dung 400 m vượt rào nữ, và Yulimar Rojas của Venezuela lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung nhảy xa 3 bước nữ với cú nhảy xuất thần 15,67 m. Một trong những quyết định đi vào lịch sử của Olympic diễn ra ở môn điền kinh, khi Mutaz Barshim (Qatar) và Gianmarco Tamberi (Italia) chấp nhận chia sẻ tấm HCV ở nội dung nhảy cao (thành tích 2,37 m), thay vì bước vào một cuộc so tài chọn người thắng cuộc. Đây cũng là một trong những hình ảnh đẹp, để lại nhiều cảm xúc nhất ở Olympic Tokyo.
Ngoài ra, có 3 kỷ lục khác thuộc về môn xe đạp lòng chảo, bắn súng và leo núi trong nhà lần đầu tiên xuất hiện tại Olympic cũng chứng kiến mỗi môn thêm một kỷ lục thế giới mới. Đáng chú ý, một mình VĐV cử tạ người Georgia, Lasha Talakhadze đã lập tới 3 kỷ lục thế giới trong một nội dung,khiphávỡ3kỷlụccũ của chính mình ở môn cử tạ hạng cân trên 109 kg nam, với thành tích cử giật 223 kg, cử đẩy 265 kg và tổng cử 488 kg.
NHỮNG GƯƠNG MẶT VĐV NỔI BẬT
Tại lễ bế mạc Olympic Tolyo 2020, Ban tổ chức đã tiến hành lễ trao huy chương đặc biệt dành cho các VĐV đạt thành tích cao của hai nội dung marathon nam và nữ. Ở nội dung marathon của nữ, HCV và HCB đều thuộc về các VĐV của Kenya - Peres Jepchirchir và Brigid Kosgei, chân chạy người Mỹ Molly Seidel giành HCĐ. Ở nội dung marathon của nam, VĐV marathon huyền thoại người Kenya Eliud Chipchoge giành HCV, HCB thuộc về Abdi Nageeye (Hà Lan), còn VĐV Bashir Abdi (Bỉ) nhận HCĐ.
VĐV Lamont Marcell Jacobs trở thành “nhà vua” mới trên đường chạy 100 m nam, góp công giúp Italia có một kỳ Olympic rất thành công vớI 5 tấm HCV điền kinh. Ảnh: Getty Images
Tại kỳ Olympic này, nhiều nữ VĐV đã tạo nên những dấu mốc lịch sử đáng khâm phục. Đó là Elaine Thompson- Herah (Jamaica), với việc bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung chạy 100 m và 200 m, điều mà trước đó chưa có VĐV nào làm được. Trong khi đó, Allyson Felix trở thành VĐV điền kinh Mỹ có nhiều thành tích nhất. Tổng cộng, người phụnữ35tuổinàycó11 tấm huy chương ở Olympic, 7 trong số đó là HCV. Lần đầu tiên Allyson Felix thi đấu là tại Athens năm 2004 khi mới 18 tuổi, cô giành HCB nội dung chạy 200 m. 17 năm sau, VĐV sinh ra ở California vẫn là người phụ nữ bền bỉ nhất, khi tham gia 2 nội dung400mvà4x400mtiếp sức. Trong đó, Felix giành HCV nộidung4x400mtiếpsức.
Ở đường đua xanh, kình ngư người Australia Emma McKeon đoạt 4 HCV ở các nội dung 50 m tự do, 100 m tự do, 4x100 m tự do tiếp sức nữ và 4 x100m hỗn hợp tiếp sức nữ; lập 1 kỷ lục thế giới và 3 kỷ lục Olympic. Ngoài ra, cô còn có 3 tấm HCĐ ở các nội dung 100 m bơI bướm, 4x200 m tự do tiếp sức nữ và 4x100 m tự do tiếp sức nam - nữ. Cô trở thành người giành nhiều danh hiệu nhất kỳ Olympic này, đồng thời, san bằng thành tích giành 7 huy chương tại một kỳ Olympic của VĐV Mariya Gorokhovskaya (Liên Xô) lập được ở môn thể dục dụng cụ năm 1952. Tuy nhiên, Emma McKeon còn kém VĐV bơi người Mỹ Caeleb Dressel 1 HCV khi so sánh về tổng số HCV giành được tại Olympic lần này. Ngoài 5 tấm HCV, Caeleb Dressel đã phá 2 kỷ lục thế giới và 2 kỷ lục Olympic.
Phần thi ấn tượng của đội bơi nghệ thuật Italia. Ảnh: Getty Images
Chỉ ít ngày sau khi Olympic Tokyo khép lại, ngọn đuốc Paralympic Tokyo 2020 đã bừng sáng, chào đón sự tham gia của 4.517 VĐV đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là đại hội thể thao người khuyết tật có số lượng VĐV tham gia đông nhất từ trước tới nay. Với sự xuất hiện lần đầu của 2 bộ môn là cầu lông và taekwondo, Paralympic Tokyo 2020 có 22 môn thể thao và 540 nội dung thi đấu. Đất nước Mặt trời mọc tiếp tục sôi động với những cuộc tranh tài nhiều cảm xúc, thể hiện khát khao vươn lên của nhân loại, đồng thời, là thông điệp ý nghĩa, mạnh mẽ trong bối cảnh cả thế giới đang chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Ở Olympic Tokyo 2020, các VĐV Việt Nam đã thi đấu đầy nỗ lực, tạo được những thông số ấn tượng, dù không giành được huy chương. Tại Paralympic Tokyo 2020, ngay ở ngày thi đấu chính thức thứ 2, lực sĩ Lê Văn Công đã giành HCB cử tạ hạng dưới 49 kg nam. Văn Công đẩy thành công cả 3 lần, và đạt mức tạ tốt nhất 173 kg, bằng với người dẫn đầu là Omar Qarada (Jordan). Tuy nhiên, anh chỉ được nhận HCB khi nặng hơn đối thủ 0,1 kg. Hiện đô cử người Việt Nam Lê Văn Công đang giữ kỷ lục Paralympic (183 kg) và thế giới (183,5 kg).
Lực sĩ Lê Văn Công (ngoài cùng bên trái) trên bục nhận HCB Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: webthethao.vn
LÊ NA