NHÀ BÁO, ĐẠO DIỄN, BIÊN KỊCH NGUYỄN THANH TÙNG:
Quê hương luôn ở trong tim
Ngày 30.7, bộ phim truyền hình sitcom “Công sở kế” (50 tập) chính thức phát sóng trên kênh SCTV4 và nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả. Người viết kịch bản, giữ vai trò giám đốc sản xuất bộ phim là nhà báo, đạo diễn, biên kịch Nguyễn Thanh Tùng (SN 1970, quê ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ), hiện sinh sống, làm việc ở TP Hồ Chí Minh.
Từ một đạo diễn phim tài liệu, chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình, lại là thể loại hài - trào phúng, thế nhưng “Công sở kế” đang tạo được nhiều ấn tượng cho người xem...
- Đúng là trong nhiều năm làm báo hình, tôi chọn mảng chuyên về phim tài liệu. Ngoài việc trau dồi kiến thức, bỏ công sức tìm hiểu, tôi từng theo học một số chương trình viết kịch bản phim truyền hình, song chưa có dịp thực hiện. Những năm gần đây, do yêu cầu công việc, tôi được gặp nhiều mẫu người, chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị trong nhiều công ty truyền thông, biết chuyện hậu trường cả cái hay lẫn cái dở. Môi trường công sở là câu chuyện nhiều tập, mỗi ngày nảy sinh một tứ mới, một chuyện mới. Đó là mảng khá hấp dẫn, nhưng không hiểu sao lâu nay lại ít được giới làm phim để ý khai thác. Có lẽ vì người trong cuộc ngại nói về mình chăng?
Nhà báo Nguyễn Thanh Tùng phỏng vấn đại diện Hiệp hội du lịch Nhật Bản tại Kyushu (Nhật Bản) trong loạt phim “Hành trình khám phá Kyushu” (20 tập).
Đầu tiên, tôi định làm phim tài liệu về đề tài này, nhưng khi bắt tay vào thấy trong thực tế có nhiều chất liệu rất hài, cần một hình thức thể hiện phù hợp mới chuyển tải tốt thông điệp đến khán giả. Thế là tôi bắt tay viết kịch bản phim hài “Công sở kế”. 50 tập phim này có cốt truyện chặt chẽ, cùng những tình huống hài hước liên hoàn, có sự phát triển, xoay quanh những tình huống bi hài trong cuộc sống và công việc của những người trẻ khởi nghiệp trong một công ty tổ chức sự kiện - truyền thông mang tên “Khabico” (tên viết tắt từ “khác biệt”). Mượn tiếng cười, bộ phim nhìn thẳng vào những mảng tối, những góc khuất của hậu trường nghề truyền thông - sự kiện như: Quấy rối tình dục, sự cạnh tranh không lành mạnh, ghen ghét, đàm tiếu, đố kỵ đẩy đối thủ vào đường cùng. Qua chặng đường gian nan của một công ty khởi nghiệp, ngoài thông điệp đả phá những thói hư tật xấu nơi công sở, phim cố gắng làm nổi bật lên giá trị của sự tử tế, chân thành giữa người với người; sự trong sáng trong tình yêu; sự đam mê và cố gắng không ngừng nghỉ; sự lương thiện trong kinh doanh.
● Vậy anh tâm đắc với những bộ phim nào của mình nhất?
- Bộ phim tài liệu có quy mô lớn nhất tôi từng thực hiện (chủ trì nhóm tác giả viết kịch bản và làm tổng đạo diễn) là “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”(10 tập, do Truyền hình An Viên - AVG sản xuất). Bộ phim phát hành hai thứ tiếng Việt - Anh, nói về lịch sử phát triển của Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đến ngày nay. Phim đã đạt giải nhất thể loại phim tài liệu tại Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Đại lễ Vesak 2014 tại Ninh Bình.
Nhà báo Nguyễn Thanh Tùng đã gặt hái nhiều giải thưởng như: Giải A - Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ ba (2006 - 2011) của UBND tỉnh Đổng Nai; các huy chương, bằng khen tại các liên hoan phim truyền hình toàn quốc; 2 giải vàng tại Liên hoan phim tài liệu các đài PT-TH toàn quốc năm 2013; giải nhất thể loại phim tài liệu tại Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Đại lễ Vesak 2014. Anh cũng được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành, Hội nhà báo Việt Nam.
Một phim khác tôi cũng dành nhiều công phu viết kịch bản và đạo diễn là phim “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (6 tập), thực hiện nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phim lấy cảm hứng từ ý thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Mạch xuyên suốt của bộ phim là về mối quan hệ lịch sử-văn hóa Bắc-Nam trong chiều dài lịch sử trên hành trình mở cõi của cha ông. Đặc biệt, phim có một tập với tiêu đề “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” thể hiện tình cảm của nhân dân miền Nam dành cho Bác Hồ - biểu tượng thiêng liêng của sự đoàn kết dân tộc.
● Chắc chắn hình ảnh quê hương Bình Định chiếm một phần trong những dự án phim của anh...
-Tôi luôn ấp ủ ước mơ thực hiện các dự án phim về văn hóa - lịch sử của quê hương. Từ quyết tâm đó, một số tác phẩm về văn hóa Bình Định đã được thực hiện, công chiếu. Đó là bộ phim “Làng Võ sông Côn” (3 tập - đồng đạo diễn, tác giả kịch bản với nhà báo Binh Nguyên) lấy cảm hứng từ những làng võ nông dân ven dòng sông lớn nhất của Bình Định. Dòng sông gắn với huyền thoại về người anh hùng áo vải Tây Sơn, hệ thống di tích đền tháp Champa, nơi xuất phát và làm nên tên tuổi một môn phái lừng danh của võ thuật Việt Nam - võ Bình Định. Series phim tài liệu này đem đến cái nhìn cận cảnh về lịch sử hình thành, phát triển của những làng võ ven sông, những tuyệt đỉnh công phu võ thuật thuần Việt đã ăn sâu vào tâm thức của tinh thần võ thuật Việt Nam.
Còn series phim “Hành trình Võ Việt”(30 tập), chúng tôi thực hiện để giới thiệu tinh hoa võ học cổ truyền Việt Nam trên toàn quốc. Loạt phim này đã dành 8 tập để giới thiệu các lò võ nổi tiếng của Bình Định với những tuyệt kỹ như: Bài quyền Ngọc Trản ngân đài (võ đường Phi Long Vịnh), bài quyền Miêu tẩy diện (võ đường Lý Xuân Hỷ), võ nhà chùa của chùa Long Phước, các võ đường của võ sư Lê Xuân Cảnh, Hồ Sừng...
Các tập phim về biển đảo Bình Định trong series phim tài liệu “Biển đảo - không gian sinh tồn của dân tộc” do tôi cùng ê kíp thực hiện cũng đã góp phần giới thiệu hình ảnh và tiềm năng kinh tế - du lịch tỉnh nhà đến với công chúng.
● Anh sẽ tiếp tục làm nhiều phim về Bình Định trong tương lai chứ, thưa anh?
-Mấy năm nay, tôI và ê kíp là các anh, em tâm huyết với lịch sử đã tìm hiểu nhiều tài liệu trong và ngoài nước, gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng (Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Duy Chính...) để nghe ý kiến tư vấn, viết kịch bản một phim truyện về vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn. Tôi đã đi tiền trạm một số nơi và làm được một số công việc cơ bản nhưng để một bộ phim lớn thành hình, hành trình chắc chắn còn dài và cần sự góp sức của nhiều người.
● Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Anh có thể giới thiệu đôi nét về mình?
Tôi thích văn chương, phim ảnh từ nhỏ. Học xong chuyên văn tại Trường PTTH Trưng Vương, năm 1987, tôi được tuyển th ng vào Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, tôi đi dạy học gần 10 năm tại Trường THCS Phù Mỹ và một số trường khác.
Lúc này, tôi có tham gia cộng tác với một số báo. Rồi, một ngày tôi nhận thấy, mình đứng trên bục giảng văn, mà thông tin thời sự cứ tràn trong những lời giảng cho đám trẻ . Cơ duyên đưa đẩy, năm 1999,tôI “hành phương Nam”,thi và trúng tuyển, trở thành phóng viên của Đài PT-TH Đồng Nai. Tôi bén duyên với nghề làm phim từ đấy. 12 năm ở đây, tôi ph trách phòng chuyên đề, Trưởng Phòng thời sự . Nhờ duyên nghề, tôi đã từng được làm phim tài liệu về những con người “làm nên lịch sử” của đất nước như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Mai Chí Thọ...
Năm 2012, để phát triển sự nghiệp làm phim, tôi chuyển về TP Hồ Chí Minh, làm giám đốc sản xuất khu vực phía Nam của Truyền hình AVG. Tại đây, tôi đã viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất nhiều series phim tài liệu và phim ngắn về đề tài lịch sử - văn hóa của đất nước. Từ năm 2019 đến nay, tôi công tác tại Báo Người Lao động, phụ trách mảng truyền thông và phát triển thương hiệu.
Hơn 20 năm theo ngành báo hình, làm thời sự, chuyên đề nhiều, nhưng tôi gắn bó nhất là với mảng phim tài liệu. Đến nay, tôi làm hơn 100 phim tài liệu về đề tài văn hóa - lịch sử, chân dung nhân vật và nhiều phim ngắn phát ở nhiều đài truyền hình trong cả nước.
TRỌNG LỢI