Làng chài Nhơn Hải bảo vệ rùa biển
Những hoạt động truyền thông về công tác bảo vệ rùa biển - loài động vật biển quý hiếm nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới, đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức của bà con làng chài Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Để giờ đây, cả làng đồng lòng bảo vệ rùa biển, xắn tay làm “bà mụ” cho rùa, góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển nơi đây.
CHUNG TAY THẢ RÙA VỀ BIỂN
Nhớ lại chuyện cũ, lão ngư Nguyễn Dư, ở thôn Hải Đông, kể: “Quãng những năm 1990 trở về trước, bãi biển ở đây vắng, nhà cửa ít, nên mùa gió Namvềtừtháng6-8hằng năm, rùa bò lên bãi biển đẻ trứng nhiều lắm. Trăng sáng, nhìn thấy rùa con nở bò ngổn ngang đầy bãi biển là chuyện thường. Do kiêng cữ trong tín ngưỡng, ngư dân không bắt rùa ăn thịt nhưng lại đào ổ lấy trứng rùa làm thức ăn. Riết rồi rùa biển dần vắng bóng, hơn nữa bãi biển nơi rùa thường chọn làm nơi đẻ thu hẹp lại nhường chỗ cho khu dân cư. Giờ rùa lên bãi đẻ trứng hiếm hơn trước rất nhiều nhưng bù lại tất cả bà con Nhơn Hải đồng lòng, chung tay bảo vệ”.
Rùa biển đang đẻ trứng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Năm 2006, trong một lần ra tham quan đảo Hòn Khô lớn, phát hiện dấu vết rùa lên bãi đẻ trứng, bà Gail Berbie, một tình nguyện viên thuộc tổ chức thiện nguyện của New Zealand - VSA, bèn đề xuất với ngành Thủy sản tỉnh triển khai các chương trình bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải. Kể lại quãng thời gian làm công tác bảo vệ rùa biển trước đây, bà Nguyễn Hải Bình, nguyên cán bộ Chi cục Thủy sản, người gắn bó nhiều năm với công tác bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải, cho biết: “Ngay sau khi bà Gail Berbie đề xuất, ngành Thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát các bãi đẻ của rùa tại bãi biển Nhơn Hải, đảo Hòn Khô lớn và bãi biển Hải Giang. Trước đó, Bình Định là địa phương chưa có tên trong danh sách thống kê bãi đẻ rùa biển trên toàn quốc, nhưng qua các đợt khảo sát, chúng tôi đã có báo cáo với Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) để bổ sung bãi rùa đẻ tại Bình Định, tạo đà cho việc kêu gọi các dự án tài trợ để triển khai thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải, cũng như nhiều vùng biển khác trong tỉnh”.
Từ năm 2008 - 2016, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Quỹ quốc tế bảo tồn động vật hoang dã (WWF) tài trợ các dự án hỗ trợ đào tạo, truyền thông bảo vệ rùa biển tại xã Nhơn Hải; đặc biệt là thành lập Nhóm tình nguyện viên quan sát và bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo, sân khấu hóa, thi vẽ tranh cho học sinh... để truyền thông nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ rùa biển.
Con vích có chiều dài 0,94 m, chiều rộng mai 0,86 m, ước nặng hơn 120 kg lên bãi biển Nhơn Hải đẻ được 92 trứng vào đêm 7.8.2021. Ảnh: N.NHUẬN
Ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Trưởng nhóm tình nguyện viên quan sát và bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, kể lại: “Hồi đó, mỗi tháng chúng tôi chỉ được hỗ trợ vài chục nghìn đồng thôi, nhưng mỗi khi phát hiện rùa lên bờ đẻ, hay trứng sắp nở, chúng tôi canh giữ cẩn thận, nhiều đêm thức trắng để dõi theo dấu chân rùa in trên cát. Có đêm rùa lên đẻ lúc mưa tầm tã, anh em phải dầm mưa cả đêm để bảo vệ. Thấy việc làm của chúng tôi, dần dần nhận thức của bà con chuyển biến tốt và nhanh hơn. Số điện thoại của anh em trong nhóm trở thành “đường dây nóng” tiếp nhận tin báo của người dân khi phát hiện rùa đẻ, rùa chết trôi vào bãi biển, rùa mắc lưới...”.
Và điều vui nhất là đến nay người dân Nhơn Hải không còn ai lấy trứng rùa làm thực phẩm hay đem bán như trước nữa, mỗi khi phát hiện rùa đẻ, hay rùa con nở, họ đều báo cho chính quyền địa phương để bảo vệ. Thậm chí ngư dân còn tự giác giải cứu rùa biển mắc vào lưới của họ. Anh Đặng Văn Hòa, ở thôn Hải Nam, bộc bạch: 2 năm qua, tôi đã phát hiện và giải cứu thả về biển một con vích (rùa xanh) nặng hơn 60 kg và một con đồi mồi nặng khoảng 25 kg bị mắc vào lưới của mình. Không riêng gì tôi, tất cả ngư dân ở Nhơn Hải cũng sẽ làm như vậy, và không chỉ có rùa, theo hướng dẫn của ngành chức năng, một số loài động vật biển quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cũng được ngư dân ghi nhớ để bảo vệ, kiểu như cùng nhau bảo vệ rạn san hô vậy.
“ĐỠ ĐẺ” CHO RÙA
Đến năm 2016, các chương trình tài trợ của IUCN, WWF kết thúc, công tác bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải vẫn được thực hiện gắn với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP), dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Bình Định, Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tài trợ.
Khi các chương trình hỗ trợ quốc tế cũng như trong nước kết thúc, Nhóm tình nguyện viên quan sát và bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải không còn hoạt động, nhưng mọi việc vẫn tiến triển tốt đẹp. Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi cũng từng tham gia thả rùa về biển. Riêng năm nay, tôi trực tiếp làm “bà đỡ” cho 4 rùa mẹ lên bãi đẻ tổng cộng 383 quả trứng. Canh rùa đẻ đơn giản, song di dời ổ trứng không hề đơn giản. Ổ trứng rùa mẹ đẻ đầu tiên vào đêm 29.6, tôi cứ lo sợ di chuyển làm hỏng cả ổ trứng là toi công. Nhưng rồi tôi được cán bộ Chi cục Thủy sản kết nối điện thoại với chuyên gia bảo vệ rùa ở Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật di dời cả ổ trứng đến nơi khác để bảo vệ. Tôi đã vui mừng khôn xiết khi nhìn ổ trứng đầu tiên mà chúng tôi chăm sóc nở con với tỷ lệ 53/98 con còn sống, theo các chuyên gia ổ trứng nở đạt tỷ lệ hơn 50% là thành công ngoài mong đợi”.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng cùng lực lượng chức năng xã Nhơn Hải di dời ổ trứng rùa đẻ sát mép biển đến khu vực an toàn để bảo vệ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Là người tham gia bảo vệ 3 trong số 4 rùa mẹ “lâm bồn” thành công, thượng úy Nguyễn Nhất Linh, cán bộ CA xã Nhơn Hải, tươi cười: “Đối với tôi đây là lần đầu tiên trong đời được tận mắt nhìn thấy cảnh rùa mẹ đẻ trứng. Tôi cũng như anh em rất vui và không thấy mệt mỏi sau những đêm canh rùa đẻ tới tận 1 - 2 giờ sáng. Khi hay tin ổ trứng rùa đẻ đầu tiên đã nở, tôi cũng như các anh em khác tham gia bảo vệ các ổ trứng rùa lâng lâng vui sướng. Niềm vui này không của riêng chúng tôi mà của cả cộng đồng ngư dân Nhơn Hải. Mỗi khi CA xã nhận điện thoại của bà con báo có rùa lên bờ đẻ trứng hay rùa con nở là chúng tôi vui lắm, lập tức báo cho anh Sáng, cùng anh em dân quân, biên phòng kịp thời có mặt để bảo vệ”.
Câu chuyện về cả làng biển Nhơn Hải bảo vệ rùa biển và việc “đỡ đẻ” cho rùa đã lan tỏa tích cực tinh thần bảo vệ hệ sinh thái biển, người dân cả xã đều tự hào khi quê mình trở thành bãi đẻ của rùa biển. Và hiếm có nơi nào mà cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rùa biển như thế.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, hồ hởi cho biết: “Công tác bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải là cả một nỗ lực lớn trong thời gian dài của các tình nguyện viên, của chính quyền địa phương, đã tuyên truyền để cộng đồng ngư dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật biển quý hiếm. Nhơn Hải giờ không những được biết đến là địa điểm du lịch biển với cảnh biển đẹp, rạn san hô đa dạng, mà còn được gắn với loài rùa biển - đây là niềm tự hào của cán bộ, nhân dân địa phương”.
NGỌC NHUẬN