Nông nghiệp công nghệ cao Xanh - Sạch & Giàu
Tôi rất ngạc nhiên khi một huyện trung du của Bình Định trở thành địa phương đi đầu trong thực hành nông nghiệp công nghệ cao đạt những kết quả rất đáng khích lệ. Đó là huyện Hoài Ân. Đây là huyện có 22 HTXNN hoạt động theo luật HTX mới, và là những HTX làm động lực cho xu hướng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Vào các trang web, trang facebook của nông nghiệp Hoài Ân, tôi rất thú vị khi được đọc những quảng cáo không chỉ về gạo sạch, bưởi, chôm chôm, xoài theo hướng organic, hay các sản phẩm đã thành thương hiệu như thịt heo, trà mà còn có những mặt hàng “độc, lạ” mà mật ong dú là một ví dụ. Tất cả đều là những loại quả, hạt, nói chung là sản vật thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe. Chuyện lấy hoa quả hay hạt rừng về bán thì không thuộc công nghệ cao, nhưng nó lại thuộc về thương mại thông minh và độc đáo. Bạn nghe nói về những sản phẩm này đã cảm thấy rất tò mò, rất háo hức muốn mua, muốn thử rồi. Bán những sản phẩm người mua háo hức, đó chẳng phải là thương mại thông minh sao?
Còn như HTXNN Công nghệ cao La’sfarm (huyện Hoài Ân), đơn vị có nhiều bước tiến dài trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau quả, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao của Israel như trồng rau, dưa trong nhà màng, tưới và bón phân vi sinh qua hệ thống nhỏ giọt tự động hẹn giờ và điều khiển sản xuất trên điện thoại thông minh để tạo ra những sản phẩm theo hướng hữu cơ chuẩn VietGAP, điều đó tuy không còn quá mới ở Việt Nam, nhưng lại rất mới ở Bình Định.
Tôi đã có 10 năm sống ở Quy Nhơn, Bình Định, đã từng đi nhiều vùng nông thôn ở Bình Định và nhiều năm liền sau này liên tục trở về tôi thấy Bình Định vẫn bình dị, vẫn không thay đổi gì nhiều, tôi cảm thấy quen thuộc và yên ổn. Tôi là người có tuổi và tôi cũng không mấy dễ làm quen với cái mới nên tôi thấy dễ chịu. Một ngày kia tôi giật mình khi cứ mãi thấy quen thuộc.
Và mấy năm gần đây tôi hết sức ngạc nhiên khi bây giờ được biết một vùng đất vốn khô cằn thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát xưa kia cát trắng mênh mông trồng cây gì cũng kém hiệu quả thì nay đã trở thành vùng chuyên canh cây xoài xanh tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả xoài từ giống xoài cát Hòa Lộc nơi này thậm chí còn thơm ngon ngọt thanh hơn cả xoài Hòa Lộc “chính gốc”. Tại vì sao vậy, hãy cứ hỏi những người nông dân hưởng lợi từ dự án tưới nước mang dấu ấn công nghệ xứ Chuột túi nhé.
Cây xoài đậu lại tại vùng cát trắng Cát Hanh đầu tiên phải nhờ... nước. Ngày trước Cát Hanh chưa có điện, không thể khoan giếng ngầm tưới nước bằng máy, nên cây xoài chưa có điều kiện sống. Khi đã có điện, có nước, rồi tiến tới có máy tưới nước nhỏ giọt hẹn giờ, có điện thoại thông minh điều khiển, nghĩa là có các điều kiện công nghệ, thì tự nhiên cây xoài sống trong “thời đại mới” thỏa sức phát triển. Nhìn những chùm quả xoài lúc lỉu ở Cát Hanh, cảm thấy hạnh phúc nhiều khi thật giản dị. Với những nông dân trồng xoài, thì niềm hạnh phúc lại hiện rõ ràng qua thu nhập sau mỗi mùa xoài.
Cái vùng cát của huyện Phù Cát ấy, ngày trước bạn tôi là nhà thơ - nhạc sĩ Trần Hinh phải thốt lên “Cát nhiều đến nỗi phải Phù lên”, thì bây giờ cây xoài đã lên ngôi, đàng hoàng mang thương hiệu “Xoài cát Phù Cát”, vậy nên chăng câu thơ cũ sẽ sửa thành “Xoài nhiều là nhờ Cát Phù (hộ) cho”. Một thương hiệu chỉ 4 chữ mà đã có 2 chữ “cát”, nhưng đây là “cát tường”, là may mắn, là tốt lành, là được phù hộ đấy ạ! Xoài cát Phù Cát là hai lần tươi tốt, hai lần may mắn, thương hiệu này chắc chắn được khách hàng đón nhận không chỉ vì chất lượng quả xoài, mà còn vì đó là cái “hên” như người Nam Bộ thường nói “Cầu Dừa Đủ Xài”, gồm 4 loại quả cúng, trong đó có quả xoài.
Những mùa xoài thơm cứ thế nối dài và ngày càng có thêm nhiều thương lái biết đến xoài Phù Cát nhiều hơn sắp tới đây, khi thương hiệu “Xoài cát Phù Cát” hiện diện trong các siêu thị toàn quốc, vượt biên giới tiến sang châu Âu, vươn đến Bắc Mỹ thì cũng không phải lạ lẫm gì. Không lạ đâu nếu biết rằng người trồng xoài Phù Cát đang âm thầm tìm cách để xoài của họ hợp chuẩn GlobalGAP.
Đến lại nhớ quả xoài truyền thống của Bình Định là xoài Thanh Ca. Ngày trước nhà thơ Xuân Diệu đã có bài thơ ca ngợi: “Má gọt thịt cho ăn/ Đến khi lưa cái hột/ Vẫn ôm lấy cạp hoài/ Bởi cứ còn ngon ngọt” (Xoài thanh ca Bình Định). Người Bình Định khi đọc đoạn thơ này cứ muốn “ôm” lấy mấy chữ đặc sệt quê mình, như “lưa”, “cạp”, “hột” mà nhà thơ lớn quê hương mình đã dùng cực đắt, đắt như xoài cát Phù Cát bây giờ vậy. Phục tráng giống xoài này tưởng cũng là điều nên làm.
Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của cả nền nông nghiệp Việt Nam. Nếu muốn sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp Bình Định ra thế giới, thì công nghệ cao là giải pháp cực kỳ quan trọng giúp tiết kiệm sức người, chi phí, nâng cao phẩm cấp sản phẩm. Không chỉ VietGAP, GlobalGAP, không chỉ chìa khóa công nghệ cao, chất lượng sản phẩm đủ sức tiến vào bất cứ thị trường khó tính nào trên thế giới mà sâu xa hơn chính sự thay đổi não trạng của người nông dân mới là yếu tố then chốt, mới khiến đổi thay trở nên bền vững.
Bình Định đã có “quả” thì cũng có “hoa”. Hoa đây là hoa mai. Nhiều năm rồi, cứ mỗi mùa Tết đến, mai vàng An Nhơn lại rầm rập xuống đường, đi khắp đất nước. Trồng mai chơi hoa là một công nghệ đặc biệt mà nông dân An Nhơn, Bình Định thủ đắc. Cứ tới ngày 23 Tết, tôi ra chợ hoa Quảng Ngãi, thì vàng rực con đường Phạm Văn Đồng là màu hoa mai, trong đó mai An Nhơn chiếm đa số. Đó là những chậu mai kiểng phù hợp với túi tiền chưa nhiều của người chơi hoa, lại đẹp, nên bán khá chạy. Mà, nói lỡ, bán không hết, thì phần còn lại mang về, chăm sóc rồi sang năm bán tiếp, có sao đâu! Tôi nghĩ, mai An Nhơn là một sản phẩm đột phá của nông nghiệp Bình Định. Nó đã có thương hiệu, bây giờ chỉ là nâng cao chất lượng để phù hợp với túi tiền người chơi đang ngày một... rủng rỉnh hơn mà thôi.
Cũng từ An Nhơn, tôi mới đọc thông tin này trên báo, xin trích:
“Trên địa bàn xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn), dự án sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới của Công ty CP Kei’s Nhật Bản ra đời từ năm 2016. Nhiều giống rau như xà lách, đậu bắp, dưa leo, các loại rau cải... được đưa từ Nhật sang và canh tác theo công nghệ của Nhật trên diện tích 7.500 m2. Nhờ vậy, người dân địa phương được tiếp cận trực tiếp cách làm đất, bón phân, gieo trồng để cho ra đời sản phẩm rau sạch, an toàn. Hiện tại, mỗi ngày vườn rau hữu cơ của Công ty Kei’s cung cấp hơn 100 kg rau, củ, quả ra thị trường với giá bán từ 20.000 - 40.000 đồng/kg”.
Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ nước ngoài được đưa thẳng vào Bình Định chính là để nông dân Bình Định tham khảo, học tập cách làm, và áp dụng cho những cánh đồng nông nghiệp sạch của mình. Bây giờ, tính toàn cầu của nông nghiệp đang ngày một tăng, nếu nông dân Bình Định đi đúng hướng mà thế giới đang đi, mà thị trường thế giới đang yêu cầu, thì việc kết nối giữa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao XANH, SẠCH của Bình Định sẽ đàng hoàng ra thế giới. Và khi đó, chữ thứ ba viết hoa sẽ tới, đó là chữ GIÀU.
THANH THẢO
Ảnh:T. DIỆU - B. DIỆP - D. CÔNG -T. QUÂN