Khi nông dân chuyển đổi số
Nông dân Bình Định đang ngày càng tiến gần hơn với công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi. Chính họ góp một tay hình thành cơ sở dữ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất theo thời đại mới. Đó là bước đầu trong tiến trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp ở Bình Định.
Như lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc“Chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT” ngày 18.6.2021:“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và ngành Nông nghiệp chủ động bước lên toa tàu đổi mới để không bị bỏ lại phía sau; chuyển đổi số hiểu một cách đơn giản là giúp nông dân dựa vào dữ liệu để sản xuất, dựa vào công nghệ kết nối để bán hàng. Chuyển đổi số giúp nông dân không bị bỏ rơi trên cánh đồng tri thức”.
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC NÔNG SẢN“MADE IN BÌNH ĐỊNH”
Cầm quả bưởi da xanh có gắn nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” cùng mã QR, dùng điện thoại thông minh chụp quét mã, người mua có ngay những thông số: Vườn bưởi, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm. Nông sản “made in Bình Định” đang dần ra thị trường theo cách như thế. Bây giờ nói về mã QR cho nông sản không còn lạ, nhưng chỉ cần lần ngược lại chỉ ít năm trước thôi sẽ thấy đó là một quá trình chuyển đổi của nông dân và đặc biệt là cả của cán bộ quản lý ở huyện Hoài Ân.
Bưởi da xanh Hoài Ân - sản phẩm chủ lực của huyện có nhãn hiệu và mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: THU DỊU
Chị Trần Thị Thu Thủy, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, cho biết: Khi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân chia sẻ và hướng dẫn về mã QR, tôi rất ngạc nghiên. Một thao tác nhỏ trên điện thoại mà có được thông tin về vườn bưởi, người trồng, quy trình chăm sóc, hay quá. Nhưng không chỉ có vậy, ông Huỳnh Văn Nhu, thôn Thạch Long, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, nói: Click nhẹ lên điện thoại, cả quá trình chăm sóc bưởi từ ra bông đến kết trái, thu hoạch mang ra chợ đều hiển thị trước mắt người mua. Có mã QR, một cân bưởi da xanh Hoài Ân bán ra thị trường được 40.000 - 50.000 đồng, một gốc bưởi cho quả đẹp, chất lượng, nông dân thu được hơn 1 triệu đồng. So với trước đây, phần được thấy rõ ngay.
Kể về mã QR, cái hay không chỉ ở chỗ biết gốc gác sản phẩm, nhiều nông dân cho biết, họ dựa trên đó áp dụng thêm các tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất.
Từ những giá trị đó, huyện Hoài Ân đẩy mạnh phát triển cấp mã QR cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân, cho biết, theo kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm tiếp tục hướng dẫn và cấp mã QR truy xuất nguồn gốc cho chè Gò Loi, dừa xiêm, quýt, mít Thái, tiêu hột... Mã QR là một trong các yếu tố để minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, toàn bộ quá trình sản xuất nông sản của nông dân. Càng minh bạch bao nhiêu, mức độ tín nhiệm của người mua hàng tăng bấy nhiêu, từ đó đưa tới các giá trị khác.
Từ chương trình “Tăng cường cơ hội cho DN nữ/Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” (FLOW/EOWE) của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn triển khai hỗ trợ HTXNN Ngọc An (phường Hoài Thanh Tây) nâng cao giá trị kinh tế từ cây dừa, trong đó có việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chế biến từ dừa (tinh dầu dừa, bánh tráng nước dừa).
Bà Lê Thị Kim Nhường, Phó Giám đốc HTXNN Ngọc An, chia sẻ: Mã QR cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng hộ trồng dừa, tìm hiểu được quá trình làm ra các sản phẩm từ dừa, an tâm sử dụng. Cùng với việc có mã QR, HTXNN Ngọc An cũng hoàn thành chứng nhận HACCP cho 2 sản phẩm chủ lực; tiếp tục đầu tư đổi mới mã bao bì thân thiện với môi trường, tăng độ nhận diện nhãn hiệu với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Dừa trồng theo quy trình hữu cơ sản xuất sản phẩm của HTXNN Ngọc An. Ảnh: KIM NHƯỜNG
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: Những năm qua, nông dân trong tỉnh thay đổi nhiều trong canh tác, chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang ứng dụng KHKT và công nghệ. Điều đáng mừng, sự thay đổi của người nông dân mở đầu cho thay đổi của cả một nền sản xuất nông nghiệp địa phương, hướng tới phát triển bền vững hơn. Trong tỉnh, có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT và công nghệ; thậm chí một số nông hộ còn xài thiết bị máy bay không người lái để sạ giống, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng.
BÁN SẢN PHẨM, BÁN CÂU CHUYỆN LÀM RA SẢN PHẨM
Nói đến chuyển đổi số, ấn tượng nhất là việc nông dân dùng công nghệ để kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán sản phẩm và cả câu chuyện làm ra sản phẩm cho khách hàng.
Cofarm - mạng xã hội nông nghiệp được viết bởi Công ty TNHH Công nghệ Nông nghiệp Cofarm (TP Quy Nhơn) giúp nông dân chia sẻ những câu chuyện trên cánh đồng của mình tới người tiêu dùng tốt hơn. Bà Trịnh Thị Quẩn, ở thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, kể:“Mỗi lần tôi chăm cây bắp con, vun luống, kiểm tra bông bắp..., các con tôi lại chụp hình đưa trang mạng bán hàng và bảo đó là cách mình đưa thông tin cho người mua biết. Tôi thấy vừa lạ, vừa thích. Thì ra mình làm gì người mua cũng biết hết”.
Xác nhận điều này, ông Mai Nhật Trình, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Nông nghiệp Cofarm, cho biết: Ứng dụng hướng tới các hộ nông dân, để tất cả nông hộ đều có thể tiếp cận công nghệ, vận dụng vào sản xuất và bán sản phẩm. Chúng tôi xây dựng ứng dụng miễn phí cho nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng cơ hội tiếp cận thay đổi về công nghệ không nhiều. Hiện Cofarm đang triển khai cho các nông sản từ vườn của HTX chế tác đá hoa cương Bảo Thắng (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ).
Sản phẩm của vườn Green Organic Farm - HTX Chế tác đá hoa cương Bảo Thắng (huyện Phù Mỹ) sử dụng ứng dụng Cofarm truy xuất nguồn gốc. Ảnh: NGUYỄN ÂN
Nói về dùng công nghệ để bán hàng, kể câu chuyện trồng trọt cho người dùng, còn phải kể đến những nông dân của Dự án Rau an toàn Bình Định. Năm 2020, dự án này xây dựng website rauantoanlalanh, facebook Lá Lành, cung cấp hình ảnh, clip liên quan tới hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản rau an toàn Bình Định. Trong khoảng thời gian từ tháng 9.2020 đến tháng 2.2021, Rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành đạt gần 4.000 lượt truy cập website và gần 5.000 lượt theo dõi trên Facebook. Câu chuyện nhãn hiệu Lá Lành từ Bình Định và các sản phẩm rau an toàn, tiêu chuẩn VietGAP lan tỏa tới đông đảo người tiêu dùng.“Thành công của việc kết nối này là giúp nông dân Bình Định tự tin giới thiệu về sản phẩm của họ, tăng giá trị cho nông sản, cải thiện sinh kế cho hơn 1.000 hộ nông dân tham gia dự án”, ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Dự án Rau an toàn Bình Định, đánh giá.
Te-food - phần mềm quản lý từ trang trại đến bàn ăn
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đầu năm 2021, Bình Định thí điểm phần mềm Te-food quản lý đàn vật nuôi bằng công nghệ Blockchain. Phần mềm này giúp người chăn nuôi quản lý số lượng đàn vật nuôi và các vấn đề liên quan tới dịch bệnh. Bình Định là một trong 7 tỉnh, thành trong cả nước thí điểm phần mềm Te-food. Chi cục phối hợp với Cục Thống kê tỉnh tổ chức tập huấn và triển khai phần mềm cho 800 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian thí điểm, các chủ cơ sở chăn nuôi được hướng dẫn cài đặt phần mềm, cập nhật thông tin liên quan đến đàn vật nuôi trong quá trình chăn nuôi; cập nhật các thông tin liên quan đến dịch bệnh; chuyển thông tin này tới phần mềm của cơ quan quản lý để cùng theo dõi. Thời gian tới khi kết thúc đợt thí điểm, ngành chức năng có đánh giá thực tế để triển khai nhân rộng phù hợp.
QUANG BẢO