Đổi thay trên“cung đường lửa đạn”
Trong chiến tranh, QL 19 đoạn qua địa bàn Bình Định, đặc biệt là từ ngã ba cầu Bà Gi, huyện Tuy Phước đến thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn là cung đường chiến lược, có nhiều đơn vị đồn trú, tọa lạc nhiều công trình quân sự quan trọng, là nơi liên tục diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ. Từ sau năm 1975, đặc biệt trong những năm gần đây, sức sống mới đã bật lên từ cung đường này.
SỨC SỐNG MỚI TRÊN VÙNG KHÓ
Những ngày cuối tháng 8, tôi lượn xe trên cung đường 19 từ cầu Bà Gi đến thị trấn Phú Phong, nghe dâng tràn cảm xúc khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các phường Nhơn Hòa, các xã Nhơn Thọ, Nhơn Tân (TX An Nhơn); xã Bình Nghi, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn)... với những nếp nhà ven đường, khu công nghiệp nhộn nhịp, đến những đồng ruộng, vườn cây, các điểm du lịch.
Phường Nhơn Hòa, đường sá tấp nập xe cộ qua lại, nhà cửa, hàng quán đông vui; Khu công nghiệp Nhơn Hòa có hàng chục DN hoạt động, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Những con đường dẫn vào sâu từng khu dân cư cũng được đổ bê tông, trải nhựa phẳng phiu. Không giấu được niềm vui khi chứng kiến quê nhà đổi thay, cụ Nguyễn Đức Long (82 tuổi, ở khu vực Phụ Quang, phường Nhơn Hòa) xúc động: “Những năm tháng khó khổ sau chiến tranh qua đi, Đảng và Nhà nước quan tâm đến an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng nông thôn, làng quê giờ bừng lên sức sống mới. Mấy năm trước, cái hố bom to đùng trước mặt nhà tôi - một chứng tích chiến tranh - đã được san lấp để xây dựng cây cầu Bầu Gốc và con đường bê tông thoáng đãng nối liền khu vực Long Quang - Phụ Quang, chấm dứt cảnh đò ngang cách trở. Nhịp sống đổi khác, đời sống bà con khấm khá hơn”.
Khu công nghiệp Nhơn Hòa (TX An Nhơn) nằm trên tuyến QL 19 nối với Tây Nguyên - trở thành địa chỉ thu hút nhiều nhà đầu tư và đã lấp đầy giai đoạn 1. Ảnh: DŨNG NHÂN
Vùng căn cứ cách mạng Nhơn Tân năm xưa giờ đã “thay da đổI thịt”, bộ mặt nông thôn xã Nhơn Tân có nhiều thay đổi, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Nhắc về những năm tháng hào hùng, ông Lê Văn Thìn, 70 tuổi, CCB ở thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân, không khỏi bồi hồi: “Nhơn Tân là vùng căn cứ cách mạng của Huyện ủy An Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ, nên bị địch càn phá dữ lắm. Đất nước thống nhất, địa phương thực hiện công cuộc phát triển KT-XH. Giờ đây nhà cửa sầm uất, hệ thống điện - đường - trường - trạm được xây dựng khang trang. Đặc biệt nhất là nhờ Nhà nước xây dựng hồ Núi Một cung cấp nước tưới, cả một vùng rộng lớn đã phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, bà con còn được khoán bảo vệ rừng, chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập cao, ai cũng vui mừng!”.
Tiếp giáp Nhơn Tân, xã Nhơn Thọ cũng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ II, chia sẻ: “HTX đã phát huy vai trò cung ứng sản phẩm dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nông dân địa phương. Để tăng hiệu quả sản xuất, HTX đã liên kết với DN sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ, ứng dụng KHKT tiên tiến trong sản xuất sản phẩm chủ lực dưa lưới, dưa lê vỏ vàng theo tiêu chuẩn VietGAP”.
NGÀY MAI BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY
Xã Bình Nghi nằm ở cửa ngõ phía Đông huyện Tây Sơn tiếp giáp với các xã Nhơn Tân, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc (TX An Nhơn), trong quá trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế phát triển rõ nét. Bình Nghi được quy hoạch là tiểu vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Tây Sơn để hòa nhịp với các địa phương của TX An Nhơn, tạo đà cho xã Bình Hòa, Tây Bình (huyện Tây Sơn) phát triển theo.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi Văn Ngọc Quế cho biết: “Trên địa bàn xã có 3 cụm công nghiệp: Hóc Bợm, Bình Nghi, cầu Nước Xanh và Khu công nghiệp Bình Nghi, tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuyến tỉnh lộ 636 nối xã Nhơn Phúc đến Cụm công nghiệp Hóc Bợm đang được mở rộng để kết nối phát triển. Xã cũng định hướng phát triển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ 75%, nông nghiệp chiếm 25%”.
Giao thông đi lại thuận tiện, người dân Bình Nghi chuyển đổi cây trồng chủ lực là cây mía, cây lúa sang chăn nuôi, trồng cây ăn quả, đậu phụng, rau màu các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dẫn tôi tham quan gia trại nuôi bò thịt chất lượng cao bằng đệm lót sinh học, có hệ thống làm mát cho các khu chuồng trại, anh Nguyễn Đình Chi, ở thôn Lai Nghi, xã Bình Nghi, chia sẻ: “Ba năm nay, gia đình tôi chuyển từ làm lúa sang nuôi bò thịt chất lượng cao. Mỗi năm tôi nuôi theo hình thức gối đầu 40 con bò 3B, nhờ tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương, trồng thêm cỏ voi trong vườn nhà, nên lãi mỗi năm hơn 200 triệu đồng”.
Cùng với phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân được quan tâm. Tiếp chuyện với tôi, ông Trương Văn Hưu (79 tuổi, CCB ở thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi) tâm tình: “Cung đường QL 19 trong chiến tranh hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn. Sau năm 1975, cùng đồng đội, chính tôi đã tham gia sửa chữa, khắc phục lại tuyến giao thông này. Ngày ấy, nhà cửa leo teo, đồng ruộng hoang hóa, dân cư thưa thớt, giờ đường sá đẹp đẽ, nhà cửa mọc dày hai bên đường, dân cư đông đúc, con cháu học hành, làm ăn ngon lành, đời sống nhân dân phát triển hẳn lên”.
Về thị trấn Phú Phong - trung tâm huyện Tây Sơn, nơi đây đang khoác lên “chiếc áo” đô thị theo định hướng phát triển đô thị Tây Sơn - với vai trò là đô thị trung tâm phía Tây của tiểu vùng số một của tỉnh theo đề án quy hoạch của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 huyện Tây Sơn chuyển thành thị xã.
Phú Phong bây giờ tràn đầy sức sống. Hai bên QL 19 dẫn vào trung tâm thị trấn là đồng ruộng trù phú cùng các khu dân cư khang trang, sầm uất, đường giao thông rộng rãi được trải nhựa. Đến nay, thu nhập bình quân người dân của thị trấn Phú Phong đạt 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,97%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng, tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 88,64%, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 8,88% và nông nghiệp chiếm 2,48%. Địa phương từng bước thực hiện các chương trình chỉnh trang đô thị, xây dựng nhiều khu dân cư mới, nhiều khối phố, tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Chị Quách Thị Chính, ở khối 1, thị trấn Phú Phong, tươi cười: “Ngày xưa Phú Phong cũng không hề nghèo đâu, nhưng khang trang và sung túc như bây giờ thì cũng chỉ mươi, mười lăm năm nay. Và nếu đôi ba tháng không về thì lúc quay lại sẽ thấy cái mới. Đơn giản như chuyện xe rác vào tận xóm thu gom rác thải mỗi tuần 2 lần, bà con cũng ý thức hơn việc giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp, văn minh là một nét thay đổi lớn lắm đó”.
Phú Phong bây giờ, những thửa ruộng, mảnh vườn hoang hóa ngày xưa đã trở thành khu dân cư, đường làng được đổ bê tông thẳng tắp, cao ráo, có điện chiếu sáng, bà con đi lại thuận tiện. Năm 2015, Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Phú Phong đạt chuẩn đô thị loại IV, tạo tiền đề cho Đảng ủy, chính quyền thị trấn tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp định hướng phát triển. Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Phong Nguyễn Văn Thứ vui mừng cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Tây Sơn anh hùng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng phấn đấu xây dựng Phú Phong trở thành đô thị - là vùng lõi thúc đẩy phát triển huyện Tây Sơn sớm đạt tiêu chí lên thị xã vào năm 2025.
***
Những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới rợp cung đường QL 19 chào mừng 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Viết tiếp những trang sử hào hùng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương dọc QL19 hôm nay càng thấy tự hào trước những đổi thay trên quê hương và vững tin hơn vào tương lai tươi sáng trước với sự chung sức của chính mình.
BẢO MINH