Nhà văn Cao Duy Thảo & chuyện chưa kể trong sách
Ông luôn nhỏ nhẹ, nhỏ nhẹ đến mức... nhỏ nhất có thể, mỗI khi trò chuyện về nghề văn. Văn của ông cũng nhẹ nhàng, thanh thoát như cách nói chuyện của ông, luôn mang đến cho người nghe một cảm giác thật êm ái. Hơn thế nữa, ông biết che đi cái phần cốt lõi nhất mỗi khi dẫn dắt câu chuyện, để cuối cùng, người nghe chuyện, người đọc truyện nhận ở ông một sự vỡ lẽ. Điển hình như truyện ngắn “Thời gian”, một trong những truyện ngắn hay của văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về chiến tranh. Ông là nhà văn Cao Duy Thảo, một người Bình Định chính hiệu.
Nhà văn Cao Duy Thảo. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Như bao nhà văn cùng“thế hệ chống Mỹ”, mỗI khi có dịp ngồi lại với bạn bè văn nghệ, Cao Duy Thảo vẫn không quên nhắc lại những kỷ niệm một thuở nằm rừng thời trai trẻ của ông. Những chuyện như thế, ông đề cập rải rác trong các bút ký, hoặc truyện ngắn, song hai chuyện tôi chép lại dưới đây, hình như nhà văn đã “quên” đưa vào sách của mình. Một chuyện xảy ra ở vùng rừng Trà Mi, Quảng Nam; một xảy ra ở chính quê ông (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - nơi nhà văn bật tiếng khóc chào đời cho đến khi ông từ biệt mẹ để xuống tàu tập kết ra Bắc.
CHUYỆN THỨ NHẤT Ở TRÀ MI - QUẢNG NAM
Cao Duy Thảo học trường điện ảnh nhưng vô chiến trường Khu Năm ông lại làm báo. Theo lời ông kể thì tờ báo ấy có tên là Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ ba tháng ra một số nhưng chẳng bao giờ ra đúng hạn. Hễ có dịp lễ lạt hoặc ngày kỷ niệm nào đó thì ra còn những lúc cạn lương thực thì phải lo phát rẫy trỉa bắp, trồng đỗ hay về len sâu xuống đồng bằng cõng gạo hoặc Mỹ nó ném bom phải lo chuyển cứ thì... nghỉ. Dù vậy, cái tạp chí ấy đã thành bà đỡ cho nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng lúc bấy giờ và là nơi sản sinh ra một thế hệ nhà văn tài năng sau này.
Cao Duy Thảo bấy giờ chưa phải là nhà văn thành danh như Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung hay Dương Hương Ly nhưng trên danh nghĩa, ông vẫn là văn nghệ sĩ của Khu Năm. Mà ông Năm Công (Võ Chí Công) Bí thư Khu ủy Khu V hồI ấy ưu áI văn nghệ sĩ lắm. Có lần ông nói, tìm được quân số một tiểu đoàn có khi còn dễ hơn tìm được một nhà văn như Nguyên Ngọc! Chả thế mà tùy bút “Đường chúng ta đi” của Nguyễn Trung Thành, tức Nguyên Ngọc, như một lời hịch vang vọng khắp núi rừng Trường Sơn trước mỗi lúc xuất quân - bắt nguồn từ gợi ý và “giao việc” của ông Năm Công. Bởi vậy, hễ có dịp lễ trọng nào thì văn nghệ sĩ luôn có suất “mời tham dự” rất chu đáo. Ngoài niềm vinh dự được tiếp cận với những vị tướng lừng danh cùng những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khu Năm, những văn nghệ sĩ này còn được bồi dưỡng bằng những suất ăn ... không độn sắn, thậm chí còn có cả thịt heo nữa. Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân khu hồi năm 1971 là một ví dụ.
Hoạ sĩ Văn Vết (trước làm ở Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa nay đã nghỉ hưu), người có nhiều năm gắn bó với văn nghệ Khu Năm thuở ở rừng kể, ông cùng nhà văn Cao Duy Thảo được mời tham dự đại hội với tư cách là đại biểu chính thức thuộc nhóm “văn nghệ sĩ”. Vì là thời chiến nên để tránh rủi ro đối phương phát hiện, nơi diễn ra đại hội được bố trí nằm sâu trong một cánh rừng thuộc huyện Trà Mi. Phải qua đôi ba lớp bảo vệ, kiểm tra rất gắt giấy tờ thì mới đến được chỗ “hội trường”. Hôm đó, hai đạI biểu, một nhà văn và một hoạ sĩ đến chốt kiểm tra cuối cùng.
Cao Duy Thảo nói với anh bảo vệ: “Tôi là nhà văn còn đồng chí này là hoạ sĩ”. Anh bảo vệ người Quảng Nam nghe tiếng được tiếng mất, tưởng hoạ sĩ Văn Vết là “hạ sĩ”, bèn chỉ tay phía bên trái, nói: “Đồng chí hạ sĩ thì đi lối ni”. Mà “đi lối ni”, nghĩa là hưởng tiêu chuẩn của... lính lác. Hoạ sĩ Văn Vết nói giọng Bắc, cố gắng thanh minh với anh bảo vệ rằng, ông là hoạ sĩ nên phải được đi cùng với nhà văn Cao Duy Thảo. Anh bảo vệ vẫn kiên quyết: “Trên quy định rứa rồi, hạ sĩ thì đi lối ni, nhà văn thì đi lối nớ. Rứa hỉ”.
Lúc này Văn Vết mới cầu cứu để Cao Duy Thảo nói giúp bằng giọng... Bình Định của ông may ra anh bảo vệ người Quảng hiểu được họa sĩ khác hạ sĩ. Cao Duy Thảo vốn dĩ rất vô tư, lại lớ ngớ không hiểu đầu đuôi câu chuyện “hạ” với “hoạ” thì sẽ như thế nào, chắc chỉ là chuyện bố trí chỗ làm việc khác nhau mà thôi, nên ông đưa tay ra chào Văn Vết: “Thôi cứ thế đã nhé!” rồi đi thẳng. Báo hại, suốt trong những ngày diễn ra đại hội, bên thì ăn cơm không độn, bên nuốt củ mì trối chết. Văn Vết kết luận: “Tính thằng Thảo nó hay lơ ngơ vậy. Nó không biết hậu quả chứ nếu biết bạn mình ăn củ mì suốt ba ngày đại hội thì nó đã “đấu tranh đến cùng” với anh bảo vệ người Quảng ấy rồi”.
CHUYỆN THỨ HAI Ở CÁT KHÁNH
Bước vào mùa mưa năm 1972, Cao Duy Thảo có chuyến về Bình Định. Đây là cơ hội để ông về thăm mẹ sau 18 năm xa cách. Cát Khánh ngày ấy thuộc diện vùng“mất an ninh”, nghĩa là giữa hai bên“địch-ta”ở thế cài răng lược. Cuối chuyến công tác, nghe nhà văn đề đạt nguyện vọng về thăm mẹ, lãnh đạo căn cứ khu Đông của Tỉnh ủyđóngởnúiBàđãliênhệ với đội công tác xã Cát Khánh (cũng lấy núi Bà làm nơi đứng chân) giao thực hiện nhiệm vụ. Dẫu gì thì Cao Duy Thảo vẫn là “cán bộ khu” nên việc bố trí sao cho an toàn là điều mà cơ sở phải lo chu đáo nhất có thể.
Nhà văn cao Duy Thảo (hàng ngồi , ngoài cùng bên phải) và các văn nghệ sĩ khu 5 thời chống Mỹ. Ảnh: NVCC
Phải nói chuyến về quê ngày ấy khá vất vả. Trước đó Cao Duy Thảo từ căn cứ Khu ủy phía tây Quảng Nam về Bình Định, theo các đơn vị võ trang địa phương cùng với bộ đội Sư 3 “Sao Vàng” tiến vào giải phóng và mở rộng diện làm chủ ra mấy huyện phía bắc tỉnh Bình Định, sau đó theo giao liên bí mật vượt quốc lộ I,trongđêmtốivềtớinúiBà- xã Cát Khánh. Mẹ ông bấy giờ đang ở Quy Nhơn nhưng nghe cơ sở báo là “thằng Thảo sắp về thăm mẹ”, bà mừng quýnh quáng, chuẩn bị lên đường ngay. Đóng vai một người đi lễ chùa từ thành phố về làng, bà đến tá túc trong ngôi nhà cơ sở cạnh một ngôi chùa vắng vẻ. Đêm ấy, đúng hẹn, đội công tác dẫn Cao Duy Thảo băng qua một cách đồng đầy nước nhưng ông được nhắc nhở là lội làm sao đó để không nghe tiếng bì bõm nhưng lại phải đi cho nhanh để tiết kiệm thời gian. Cho đến bây giờ, ngót 50 năm rồi mà ông vẫn không thể nào quên tâm trạng bời bời khi phải lội nước trong một hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy để thăm mẹ mình.
Khó có thể diễn tả hai mẹ con gặp nhau trong gian buồng không một ánh đèn tại nhà một cơ sở cách mạng. Cho đến lúc đó, hai mẹ con đã xa nhau 18 năm, Cao Duy Thảo đã bước vào tuổi 30 nhưng vẫn còn “trai tân”! Bà mẹ ôm chầm lấy thằng con trai 30 tuổi sau 18 năm xa cách mà không dám khóc vì anh cán bộ cơ sở cứ nhắc chừng: “Không được khóc vì địch ở gần đó có thể nghe thấy thì nguy hiểm đến tính mạng của cả hai mẹ con!”. “Không được khóc” như một mệnh lệnh giữa lằn ranh sinh tử, dù người mẹ ấy muốn khóc thật to, muốn ôm thật chặt đứa con như núm ruột của mình đã vượt nghìn trùng về bên mẹ mà vẫn không nhìn thấy mẹ vì không được thắp bất cứ ánh lửa nào! Hai mẹ con chỉ cảm nhận khuôn mặt của nhau qua bàn tay, một gầy guộc vò võ đợi mong, một sần sùi chai sạn vì cầm súng, cầm rựa phát rẫy suốt 6 năm ở Trường Sơn. Bà mẹ đã sờ lên khắp người đứa con trai rồi tự vẽ khuôn mặt nó theo cách cảm của bà trong đêm tối. Ba mươi phút đã trôi qua và thời gian dành cho cuộc gặp cũng đã hết. Chưa khi nào cảm giác về thời gian của nhà văn lại trôi nhanh như cái đêm hôm ấy. Người mẹ thì cứ xoa bàn tay già nua của mình lên khắp khuôn mặt con để định dạng, cứ sợ nó vụt khỏi tay mình. Anh cán bộ cơ sở nhắc: “Đã đến giờ đi rồi má ơi!”. Bà cụ tuy rất thương con nhưng không dám nấn ná thêm một giây nào nữa. Rút trong chiếc túi vải mang theo, bà dúi vào tay đứa con: “Con cầm lấy nếu nhỡ có bất trắc gì trên đường thì dùng nó”. “Nó” ở đây là 5 chỉ vàng, được thợ kim hoàn đúc nối thành chuỗi, đã gói ghém cẩn thận. Người con trai chỉ biết nói với mẹ mình: “Thôi má cầm về mà dùng chứ con biết sống chết ngày nào mà giữ nó. Vả lại, ở trên rừng thì biết tiêu vào đâu”. Hai mẹ con chia tay trong nước mắt.
Đó là một cuộc gặp hy hữu. Nó luôn ám ảnh Cao Duy Thảo mỗi khi nhắc đến mẹ mình. Đã gần 50 năm rồi mà mỗi lần nhà văn kể về cái đêm phải lội nước suốt quãng đồng để gặp mẹ trong bóng đêm, mắt ông lại rưng rưng như chuyện mới hôm qua...
TRẦN ĐĂNG