Gặp học sinh đoạt giải Khuyến khích UPU toàn quốc năm 2014
Sau 3 năm, kể từ năm 2011 với giải Khuyến khích Cuộc thi viết thư quốc tế UPU toàn quốc lần thứ 40 của em Ngô Trúc Quỳnh (học sinh trường THCS Tăng Bạt Hổ, Hoài Ân), Bình Định lại có học sinh đoạt giải cuộc thi này ở cấp quốc gia. Người ghi tên mình vào bảng thành tích UPU với học sinh cả nước là em Trần Thị Mỹ Triều, học sinh lớp 9A1, trường THCS Ngô Mây, TP Quy Nhơn (ảnh, bên phải).
Chủ đề của Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 - năm 2014 (gọi tắt là UPU 2014) là “Hãy viết một bức thư để diễn tả âm nhạc có thể lay động cuộc sống”. Trong bức thư dự thi của mình, Mỹ Triều xưng “cháu” và gửi thư đến “bác Thạch Sanh”.
Bức thư sâu sắc và giàu cảm xúc
“Xin phép cho cháu gọi tiếng bác thân quen, bởi cháu tin rằng bác đã từ cuộc đời dân Việt mà hóa thân vào cổ tích”, trong thư, Triều đã viết. Đến với chủ đề UPU 2014, Triều đã nghĩ ngay đến nhân vật cổ tích Thạch Sanh với tiếng đàn mầu nhiệm và qua cánh thư UPU bay vào miền cổ tích, cô bé hy vọng “người dũng sĩ gảy đàn lui quân” ấy sẽ giúp em những điều còn chưa cảm thấu sâu xa về âm nhạc.
“Diệu kỳ thay, tiếng đàn Thạch Sanh - tiếng đàn xưa, tiếng đàn nay. Những tiếng tơ lòng cùng một điệu hồn dân tộc. Những câu hát si hát lượn, những làn điệu hát xoan, quan họ, bài chòi, cải lương, những tiếng kèn, đàn then, đàn bầu… Người Việt mê ca hát, đâu đâu cũng có âm nhạc làm bạn, chia sẻ mọi buồn vui, thương nhớ, giận hờn. Dân ta anh hùng, thời nào cũng có những bản hùng ca hào sảng của trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, trống trận Mê Linh, Tây Sơn…”
(trích bức thư UPU của em Trần Thị Mỹ Triều)
Bằng giọng văn giàu cảm xúc với ngôn ngữ mượt mà, lời văn giàu tính nhạc, tác giả Mỹ Triều đã có những dẫn chứng sinh động về sức lay động và cảm hóa diệu kỳ của tiếng đàn Thạch Sanh. “Tích…tịch…tình…tang… Những điệu ái tình trai thanh gái lịch. Nàng công chúa hôm nao giã từ chuỗi tháng ngày lặng yên không nói, bừng dâng trong trái tim rạo rực những cảm xúc ngọt ngào chờ đón thời khắc được giao duyên kết lứa. Tích…tịch…tình…tang… Những nốt nhạc đong đầy tinh túy thiện lương, chan chứa khát vọng hòa bình. Hùng hổ quân binh mười tám nước xâm lược bỗng tràn ngập nỗi nhớ nhà thương vợ, sợ cảnh binh đao khói lửa mà đầu hàng lui quân…”. Đồng thời, chọn hình tượng chuyển tải thông điệp là tiếng đàn Thạch Sanh, tác giả cũng phần nào nói lên ý nghĩa, vai trò quan trọng và sự tôn vinh đối với loại hình âm nhạc dân tộc.
Nhận xét về bài dự thi của Mỹ Triều, ông Nguyễn Thanh Mừng - Phó Giám đốc Sở TT&TT, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi (cấp tỉnh) đánh giá: “Đây là bài viết tôi chấm cao điểm nhất trong số bài dự thi năm nay. So với mặt bằng chung, bài “Thư gửi bác Thạch Sanh” của thí sinh Trần Thị Mỹ Triều có những ưu điểm nổi trội là đã chọn lựa được trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam một hình tượng điển hình gắn bó sâu sắc với thế giới âm nhạc và từ hình tượng ấy diễn đạt ra các ý hướng tiêu biểu phục vụ cho chủ đề. Bám sát hình tượng “tiếng đàn Thạch Sanh”, Mỹ Triều đã nêu bật tác dụng thần kỳ của âm nhạc với đời sống. Không dừng lại ở đó, thí sinh này ngoài việc mở rộng nội dung bằng điểm xuyết hệ thống di sản tinh hoa âm nhạc dân tộc còn liên hệ ý nghĩa tiếng đàn Thạch Sanh trong đời sống hôm nay”.
Khơi gợi tình yêu văn học
Qua cuộc thi UPU 2014 này, Mỹ Triều không chỉ hai lần được nhận niềm vui khi đoạt giải Nhì cấp tỉnh hay Khuyến khích cấp quốc gia, mà quan trọng hơn là em đã nhận ra mình có thế mạnh ở môn Văn. Theo cô giáo Huỳnh Thị Phượng Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1, cũng là giáo viên phụ trách bộ môn Văn của lớp, Mỹ Triều đến với môn Văn khá muộn. “Triều học khá đều các môn, có năm em thi học sinh giỏi Hóa, có năm thi Anh văn. Văn em tuy có “chất”, trong đó điểm mạnh là sâu sắc, chững chạc trong tư duy, cảm nhận và vốn từ ngữ phong phú, ngôn ngữ thể hiện mượt mà, đặc biệt là khả năng gieo nhạc trên những câu văn; song từ trước đến nay tự bản thân em cũng như gia đình chưa phát hiện nên năng khiếu chưa được phát huy”. Trong quá trình tổ chức, đôn đốc học sinh tham gia viết thư UPU, bức thư rất “sáng” của Mỹ Triều đã khiến cô giáo Phượng Hiền chú ý. Được cô giáo gợi mở, giảng giải thêm về nội dung chủ đề, về hình tượng tiếng đàn Thạch Sanh và góp ý đôi chút trong cách diễn đạt, bài viết của Mỹ Triều càng đẹp về hình thức, sáng về nội dung.
Niềm vui chiến thắng từ cuộc thi UPU lần thứ 43 mang lại đã tạo ra sự khích lệ rất lớn đối với cô học trò nhút nhát Mỹ Triều. “Em thích học Văn nhưng không biết là mình có khả năng viết Văn và có thể học tốt hơn nữa môn học này nếu biết cách đầu tư, nỗ lực, phát huy năng khiếu. Thêm vào đó, gia đình em có người thân yêu thích văn học, theo học Văn, ra trường làm công việc gắn với lĩnh vực này, thường hay “dọa” là con gái học Văn sẽ khổ, nên em cũng có phần rụt rè; nhưng giờ em đã thấy tự tin hơn rất nhiều. Cám ơn cuộc thi đã cho em cơ hội thể hiện khả năng còn chìm khuất ấy của mình và khám phá, hiểu rõ hơn về bản thân; cám ơn cô giáo đã khuyến khích, truyền đam mê, tình yêu văn chương đến em”, cô học trò nhỏ xúc động tâm sự. Giờ đây, đứng trước ngưỡng cửa vào lớp 10, Mỹ Triều xác định sẽ đầu tư hơn cho năng khiếu, môn học thế mạnh, trước mắt là nỗ lực thi đậu vào lớp chuyên Văn, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn!
SAO LY