Phòng co giật do sốt ở trẻ em
Co giật do sốt là hiện tượng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 3 - 5 tháng tuổi. Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh: Co giật thường xảy ra khi thân nhiệt của trẻ tăng cao trên 39 độ C. Nguyên nhân gây sốt dẫn đến co giật chủ yếu là do sốt siêu vi, nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Co giật chủ yếu là co giật toàn thân kéo dài trong vài phút, hiếm khi kéo dài quá 15 phút. Sau cơn co giật bé thường ngủ lịm và khi bị đánh thức bé thường tỉnh táo, không mê man. Trẻ em hay bị co giật do sốt là do não trẻ chưa hoàn chỉnh, khi trẻ sốt cao, não dễ bị kích thích, các sợi thần kinh nhất thời phóng điện đột ngột và quá mức, gây co giật toàn thân.
Khi trẻ bị co giật do sốt, cần xử trí bằng cách để trẻ nằm ngửa, giữ yên, đầu hơi nghiêng sang một bên; cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ dễ thở và hạ bớt thân nhiệt. Dùng vật mềm hoặc khăn mặt đặt giữa hai hàm răng để trẻ khỏi cắn phải lưỡi. Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ để tránh gãy răng, không giữ chặt trẻ lại để tránh gãy xương. Khi trẻ ngừng co giật phải ngay lập tức đưa trẻ về tư thế an toàn (lật nghiêng trẻ sang một bên, đầu hơi ngửa ra sau) để nếu trẻ có nôn thì chất nôn không trào ngược vào đường thở gây nguy hiểm. Dùng khăn nhúng nước ấm lau người trẻ nhiều lần, nhất là vùng nách và bẹn để giảm thân nhiệt; làm mát môi trường xung quanh bằng cách hạn chế số lượng người ở gần, mở thông thoáng cửa sổ và cửa ra vào. Có thể dùng thuốc hạ sốt loại viên đặt hậu môn với liều 15-20 mg/kg trọng lượng cơ thể của trẻ.
“Để phòng sốt cao co giật, cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời khi mới có dấu hiệu; không để thân nhiệt trẻ quá mức 39 độ C. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều hơn bình thường”, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng lưu ý.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)