Ðiều trị và phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) có thể gây mù, tuy nhiên phần lớn trường hợp có thể phòng tránh được. Bệnh thường không có triệu chứng gì trong thời kỳ đầu, do đó khám mắt định kỳ là cách duy nhất để xác định tổn thương trên võng mạc. Tùy theo giai đoạn bệnh sẽ có phương pháp điều trị bệnh VMĐTĐ thích hợp như: Theo dõi, laser quang đông võng mạc, tiêm nội nhãn thuốc ức chế tăng sinh mạch máu (anti-VEGF) hoặc Corticoid chống phù hoàng điểm, phẫu thuật.
Điều trị laser quang đông võng mạc với mục đích khu trú các vùng võng mạc bất thường, diệt các tân mạch và điều trị phù hoàng điểm, võng mạc. Sau điều trị laser, bệnh nhân có thể có cảm giác chói lóa, thị lực giảm, có dấu hiệu chớp sáng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn những triệu chứng tạm thời sẽ chấm dứt. Thông thường bệnh nhân phải trải qua 4 lần laser, mỗi lần cách nhau 2 tuần.
Tiêm thuốc nội nhãn với Corticoid hoặc anti-VE (Lucentis, Avastin, Pegabtanib) ngăn cản tân mạch, chống phù hoàng điểm.
Phẫu thuật cắt dịch kính để làm trong môi trường quang học, loại trừ co kéo dịch kính võng mạc, co kéo do tăng sinh của dịch kính võng mạc, màng xơ mạch. Điều trị các quá trình bệnh lý khác như phù hoàng điểm dạng nang, bong võng mạc co kéo, màng tăng sinh dịch kính võng mạc.
Để ngăn ngừa bệnh VMĐTĐ, người bệnh đái tháo đường cần:
- Giữ huyết áp, đường huyết ổn định trong giới hạn an toàn mà bác sĩ điều trị đái tháo đường đặt ra.
- Phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến võng mạc như thuốc lá, béo phì…
- Phải đi khám mắt định kỳ theo lịch hẹn để phát hiện sớm tổn thương võng mạc, điều trị sớm nhằm ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực hoặc mù.
Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh VMĐTĐ, người mắc bệnh nên chủ động đến cơ sở chuyên khoa để được điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa giảm thị lực và ổn định thị lực. Nhiều trường hợp bệnh VMĐTĐ kèm xuất huyết dịch kính hoặc nặng hơn có thể cần chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính. Sau khi điều trị, để đảm bảo bệnh nhân và người nhà hiểu được sự cần thiết của việc liên tục theo dõi tình trạng của mắt, bác sĩ điều trị sẽ trao đổi cách nhận biết các dấu hiệu bất thường để báo với bác sĩ, đi thăm khám kịp thời.
Để giữ thị lực tốt, người mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố: Đường huyết, huyết áp, kiểm soát lượng mỡ trong máu cũng như khám mắt định kỳ và chuyển tuyến điều trị kịp thời.
BS. NGUYỄN THÀNH TÂN (Bệnh viện Mắt Bình Định)