Đối phó với bệnh tay - chân - miệng
Từ đầu năm 2014 đến ngày 14.5, toàn tỉnh đã ghi nhận 252 ca tay - chân - miệng, giảm 57 ca so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công tác phòng, chống vẫn được chú trọng, nhất là trong tình hình phức tạp của dịch bệnh tay - chân - miệng ở các tỉnh phía Nam.
Trong 252 ca tay - chân- miệng đã được ghi nhận, Phù Mỹ chiếm đến 102 ca, tiếp theo là Tây Sơn 50 ca, Hoài Nhơn 35 ca, Phù Cát 14 ca, Quy Nhơn 12 ca, Vĩnh Thạnh 11 ca, Vân Canh 9 ca, Tuy Phước 9 ca, Hoài Ân 6 ca và An Nhơn 4 ca. Đến nay, chưa có ca bệnh nặng, chưa có trường hợp tử vong.
“Điểm nóng” Phù Mỹ
Đây không phải lần đầu tiên Phù Mỹ dẫn đầu trong số 11 huyện, thị xã, thành phố về số ca mắc tay- chân - miệng. Cùng thời điểm này năm ngoái, Phù Mỹ có đến 92 trong tổng số 309 ca tay - chân - miệng của cả tỉnh.
Trong số 102 ca tay - chân - miệng ở Phù Mỹ, xã Mỹ Chánh dẫn đầu với 21 ca, tiếp đó là Mỹ Thọ 11 ca, Mỹ Trinh 10 ca, Mỹ Quang và Mỹ Thành mỗi xã có 9 ca. Mỹ Chánh cũng dẫn đầu số ổ dịch, với 2/9 ổ dịch của cả huyện. Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Phù Mỹ Huỳnh Xuân Lưu cho hay, cán bộ của Đội được phân công ứng trực tại khoa Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện để kịp thời ghi nhận các ca tay - chân- miệng. Bên cạnh đó, Đội cũng cắt cử người trực tiếp xuống địa bàn có ca bệnh để giám sát thực tế, trực tiếp xử lý môi trường.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc TTYT huyện Phù Mỹ Trần Văn Hạnh, không có điểm chung nào mang tính quy luật giữa các xã có nhiều ca tay - chân - miệng. “Nguyên nhân chính khiến số ca bệnh ở Mỹ Chánh vượt trội là do xã này có dân số lớn - khoảng 16.000 dân”, bác sĩ Hạnh nhận định.
Theo bác sĩ Huỳnh Vĩnh Thu, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYT Dự phòng tỉnh, nguyên nhân chính khiến Phù Mỹ chưa thể kéo số ca bệnh tay - chân - miệng xuống là môi trường vệ sinh ở nhiều khu dân cư chưa đảm bảo. Tỉ lệ người dân không dùng nhà vệ sinh còn nhiều. Bên cạnh đó, công tác giám sát tốt cũng dẫn đến tăng số ca bệnh được phát hiện.
Chủ động phòng ngừa
Một đặc tính nguy hiểm của bệnh tay - chân- miệng là dễ lây. Nếu không chú trọng phòng ngừa, từ một trẻ mắc bệnh dễ lây cho nhiều trẻ khác. Ngày 12.5, bé Nguyễn Tấn Khanh (20 tháng tuổi, ở Tây Phú, Tây Sơn) được chuyển từ BVĐK khu vực Phú Phong đến BVĐK tỉnh với những triệu chứng điển hình của tay - chân - miệng: sốt cao 39 độ, loét miệng, nổi bóng nước ở lòng bàn tay bàn chân… Chị Trần Mỹ Tiên, mẹ của bé Khanh, cho biết: “Dịp nghỉ lễ 30.4, có gia đình người thân từ Quảng Ngãi lên chơi, anh họ cùng tuổi với Khanh phát sốt, sau đó lộ bệnh tay - chân - miệng. Khanh bắt đầu phát bệnh từ ngày 4.5, chắc chắn bị lây vì hai anh em quấn nhau lắm”.
Tương tự, khoa Truyền nhiễm, TTYT huyện Phù Mỹ vừa điều trị cho 2 chị em ở thôn Trà Bình Tây, xã Mỹ Hiệp cùng mắc tay- chân - miệng. Đó là bé Nguyễn Thanh Hương (7 tuổi) và em trai Nguyễn Thanh Phong (5 tuổi). Theo Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Tô Quốc Phong, cả 2 chị em Hương- Phong đều mắc tay - chân- miệng độ 1 kèm bội nhiễm. “Trong số 100 ca bệnh chúng tôi đã điều trị, chưa ghi nhận biến chứng nặng. Các phụ huynh cũng đã có ý thức hơn trong việc phát hiện sớm và đưa con đi khám kịp thời, nên bệnh không diễn tiến nặng”, bác sĩ Phong nhìn nhận.
Bên cạnh đó, một thực tế đang lo ngại là chiều hướng tăng dần các ca bệnh. “Năm 2011, 2012, tâm điểm tăng nhanh của bệnh tay - chân - miệng là tháng 4-5 và 9-10. Với diễn biến hiện tại, rất có thể thời gian tới số ca bệnh sẽ còn tăng đột biến. Vì thế, không thể lơ là công tác phòng bệnh”, bác sĩ Huỳnh Vĩnh Thu phân tích.
Với đặc điểm của bệnh tay - chân - miệng là xảy ra chủ yếu ở trẻ em (251/252 bệnh nhân dưới 5 tuổi), việc phòng bệnh tại gia đình và nhà trẻ cần đặc biệt chú ý. Công tác tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh sẽ hướng đến đối tượng hộ gia đình. Bác sĩ Thu khẳng định, hoạt động phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hành vệ sinh tại các trường mầm non, nhà trẻ sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, sẽ chú trọng tập huấn cho lực lượng y tế trường học.
Ngày 13.5, UBND tỉnh đã có văn bản giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở GD&ĐT, TT&TT, Tài chính, Báo Bình Định, Đài PT&TH Bình Định và các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng” theo yêu cầu của Bộ Y tế.
NGUYỄN VĂN TRANG