Bệnh viện P&DLTƯ Quy Hòa:
Tiếp nhận, điều trị một bệnh nhân bị viêm da dày sừng
Sau một thời gian dài gián đoạn, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương (P&DLTƯ) Quy Hòa vừa tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhân bị viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân.
Đó là bệnh nhân Phạm Thị Lếch (30 tuổi, người dân tộc H’re ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Bệnh nhân được chuyển vào từ BVĐK Quảng Ngãi ngày 24.4, với các triệu chứng của bệnh viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân xuất hiện từ 1 tháng trước đó, kèm phù mặt, rụng tóc.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện P&DLTƯ Quy Hòa đã truyền máu, truyền đạm, bôi thuốc làm bong da và mềm da, cho bệnh nhân dùng các thuốc hỗ trợ gan. Bác sĩ Trần Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, nhận định: “Việc điều trị rất cẩn trọng, bởi bệnh nhân mắc chứng viêm da dày sừng kết hợp men gan cao, rối loạn chức năng đông máu sẽ gây xuất huyết nội tạng, dễ dẫn đến tử vong”.
Ngày 24.4, chỉ số Bilirubin T.P của bệnh nhân Lếch là 27,7, đến ngày 9.5 còn 24,9, chỉ số GOT cũng giảm từ 66 xuống còn 44. Đến nay, các mảng dày ở rìa bàn chân đã mỏng đi nhiều, các vết lở loét ở các kẽ ngón chân đã lành hẳn, các vết thâm nhiễm đã chuyển sang màu hồng.
Theo Giám đốc Bệnh viện P&DLTƯ Quy Hòa Nguyễn Thanh Tân, cao điểm của bệnh viêm da dày sừng là năm 2012, khi Bệnh viện tiếp nhận điều trị đến 160 ca. Sau một thời gian tạm lắng, bệnh đã quay trở lại. Đầu năm 2014 đến nay đã ghi nhận 3 ca, 1 ca điều trị tại Quảng Ngãi, 1 ca vào TP Hồ Chí Minh và 1 ca điều trị tại Bệnh viện P&DLTƯ Quy Hòa. Trước đây, các ca bệnh tập trung ở xã Ba Điền, lần này lan sang cả xã Ba Tô, nơi người dân vẫn có thói quen dùng gạo ủ.
“Năm 2012, thời gian điều trị trung bình mỗi bệnh nhân là 1 tháng, lần này có thể ngắn hơn. Phác đồ điều trị như nhau, chỉ có khác cơ bản là phải giảm áp lực cho gan vì bệnh nhân có tổn thương gan”, bác sĩ Tân cho biết.
NGUYỄN HOÀNG