Di dời tàu thuyền đến nơi neo đậu mới:
Sẽ hoàn thành trước thời hạn
Trong những ngày tháng 5 này, TP Quy Nhơn đang tập trung cho công tác trọng tâm trả lại sự trong lành cho bãi biển Quy Nhơn. UBND thành phố và các ngành liên quan đã chuẩn bị tốt các bước từ xây dựng, thực hiện phương án di dời tàu thuyền, chồ rớ, đến tuyên truyền vận động và hỗ trợ ngư dân đến khu neo đậu mới, với quyết tâm sẽ hoàn thành sớm hơn dự định.
“Thuận buồm xuôi gió”
Chính quyền các địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện các chủ trương của UBND tỉnh và UBND TP Quy Nhơn ban hành, qua đó, đảm bảo việc di dời được thông suốt và hiệu quả. Nhờ đó, bà con ngư dân đã đồng tình ủng hộ và hưởng ứng.
Ngư dân Nguyễn Nam (KV 3, phường Ghềnh Ráng) cho biết: “Lúc đầu nghe sẽ phải di dời tàu thuyền đi nơi khác, hầu hết bà con đều băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, khi được chính quyền địa phương và ngành chức năng thành phố tuyên truyền, giải thích, bà con dần yên tâm về công tác di dời tàu thuyền”. Ngư dân Nguyễn Văn Mạo (trú tổ 3, KV 1, phường Trần Phú) bộc bạch: “Đây là chủ trương lớn của tỉnh và thành phố, lại có chính sách hỗ trợ phù hợp nên người dân chúng tôi đều đồng tình ủng hộ”.
Ông Nguyễn Đình Minh, Chi hội trưởng Chi hội ngư dân KV3, phường Trần Phú, nhìn nhận: Di dời tàu thuyền về khu neo đậu mới để tạo không gian thoáng đãng, xanh - sạch - đẹp cho bãi biển, tạo “cú hích” cho hoạt động du lịch và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, được anh em hội viên hoan nghênh, ủng hộ. Vui hơn, qua công tác vận động, tuyên truyền, anh em trong Chi hội đều nhận thấy tình trạng tàu thuyền neo đậu không theo quy hoạch như hiện nay, cộng thêm tình trạng đánh bắt hải sản tràn lan đã tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển Quy Nhơn nên việc di dời tàu thuyền vào điểm tập trung là điều cần thiết”.
Bên cạnh sự đồng thuận, nhất trí cao, bà con ngư dân vẫn còn một số băn khoăn, nhất là công tác bảo đảm an ninh trật tự, luồng lạch tại khu neo đậu mới khi đi vào hoạt động. Ông Trần Thành (ở tổ 59, KV 7, phường Quang Trung) có ý kiến: “Trước nay, tàu thuyền neo đậu vùng biển gần nhà, ngư dân thuận tiện trong việc trông coi, gìn giữ tài sản. Nay, nhà ở xa khu neo đậu nên ngư dân ít nhiều gặp khó khăn trong quản lý tài sản. Vì vậy, sau khi di dời tàu thuyền về nơi ở mới, ngành chức năng cần quan tâm hơn vấn đề an ninh trật tự tại bến bãi”.
Còn ông Nguyễn Văn Minh (trú tổ 71, KV8, phường Quang Trung), chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 10325 - TS, góp ý thêm: “Để thuận tiện cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu mới, công tác nạo vét, khơi thông luồng lạch cần được làm tới nơi đến chốn; việc đảm bảo nơi tránh trú bão an toàn cũng cần được lưu ý đến”.
Địa phương quyết liệt vào cuộc
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, công tác di dời tàu thuyền đã có nhiều hiệu ứng khả quan. UBND TP Quy Nhơn xác định việc hoàn thành công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, chi trả tiền hỗ trợ, đảm bảo di dời tàu thuyền vào khu neo đậu mới đúng thời gian đề ra là công việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu của thành phố. Với tiến độ thực hiện nhanh chóng như hiện nay, cùng quyết tâm cao độ của chính quyền địa phương và các sở, ban ngành, công tác di dời tàu thuyền có khả năng hoàn thành trước kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, nói: “Đến nay, tất cả các khâu chuẩn bị tại địa phương đã hoàn tất. Lãnh đạo địa phương và bà con đều đã sẵn sàng di dời”. Ông Huỳnh Văn Trung, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, tự tin: “Sau cuộc di dời lần này, bãi biển Quy Nhơn sẽ trở nên sạch đẹp hơn. Chính vì thế, chúng tôi đã sẵn sàng cho thuyền về bến mới khi có lệnh”.
Đến nay, Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn đã tạm ứng 6,52 tỉ đồng cho 10 phường để thực hiện đề án di dời tàu thuyền, chồ, rớ đang neo đậu, hoạt động tại khu vực dọc đường Xuân Diệu - An Dương Vương vào khu vực đầm Thị Nại (giai đoạn 1). Trong đó, phường Trần Phú trên 3,4 tỉ đồng; phường Quang Trung trên 1,1 tỉ đồng; phường Ghềnh Ráng trên 636 triệu đồng; phường Hải Cảng trên 781 triệu đồng; phường Nguyễn Văn Cừ trên 110 triệu đồng; phường Lê Lợi trên 74 triệu đồng; phường Lê Hồng Phong 40 triệu đồng; phường Thị Nại trên 16 triệu đồng; phường Nhơn Bình trên 40 triệu đồng và phường Đống Đa trên 192 triệu đồng.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng tỏ ra phấn khởi: “Với chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh cùng sự chung tay vào cuộc với tâm thế khẩn trương từ các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, cộng với sự thông hiểu, đồng tình của người dân, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, thành phố đã sẵn sàng trước giờ “G”!”
Thời gian thực hiện phương án di dời tàu thuyền (từ ngày 5 - 30.5):
- Giải phóng mặt bằng chồ, rớ, lồng, lờ tại khu neo đậu mới (ngày 5 - 10.5).
- Tổ chức ra quân giải phóng mặt bằng bờ kè 3m xung quanh khu dịch vụ hậu cần nghề cá (ngày 5 - 10.5)
- Niêm yết sơ đồ quy hoạch điểm neo đậu, công khai danh sách hỗ trợ kinh phí di dời cho các chủ hộ (ngày 6 - 20.5)
- Lắp đặt phao tiêu và cắm mốc xác định các điểm neo đậu mới (ngày 10 - 25.5)
- Xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng ra vào bến cầu tàu (ngày 8 - 20.5)
- Nạo vét luồng lạch vào khu neo đậu mới (ngày 8 - 25.5)
- San ủi mặt bằng, làm sạch tuyến bờ kè, xây dựng mới 3 cầu cho ngư dân để thúng ra vào (ngày 6 - 25.5)
- Vận động tuyên truyền các hộ ngư dân trước, trong và sau khi di dời tàu thuyền dọc đường Xuân Diệu - An Dương Vương vào khu neo đậu mới (ngày 5 - 30.5).
Nhóm PV Phòng Bạn đọc - Tư liệu