Nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng: Ở phía lòng mình lắng lại…
Nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng (sinh năm 1990, quê ở huyện Hoài Ân) vừa ra mắt tập thơ Đợi những vắng xa (NXB Hội Nhà văn & Yaobooks) vào tháng 7.2021. Đây là tập thơ thứ 2 của anh sau Ngồi gỡ tơ trời (NXB Hội Nhà văn, 2018).
Tác giả Trương Công Tưởng. Ảnh: HOÀI HƯƠNG
Tách ra khỏi những xô bồ ồn ã, Tưởng lắng lòng mình ở những câu thơ da diết. Dù đa phần những câu thơ ấy man mác một nỗi buồn. Tôi tin, lạc vào trong thế giới của thơ, Tưởng đang soi chiếu lại mình, để đối thoại, để yêu và đau rất thật. Nhân dịp ra mắt ấn bản mới này của tác giả, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
Anh muốn gửi gắm gì qua tên sách: Đợi những vắng xa?
- Nếu bạn đọc tập thơ của tôi, bạn sẽ cảm nhận được nỗi đợi chờ như một dòng chảy xuyên suốt mà ở đó chứa đựng những khắc khoải, dằn vặt tưởng là nhẹ bẫng mà găm vào tim sâu hoắm. Không có một phép đo nào đo thử độ dài của nỗi đợi chờ là bao nhiêu nhưng tôi nghĩ nó dài rộng mênh mông hơn những gì chúng ta nhìn thấy. Tôi rất thích một câu nói của Trịnh Công Sơn: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”.
Dường như những trang viết về người phụ nữ, quê nhà, bản quán chảy theo một mạch riêng?
- Quê nhà là những góc nhớ bình yên trong tim mỗi người, gắn với những điều bình dị, thân thương nhất, nơi sẽ neo giữ trái tim người ta ở lại dù có đi xa đến đâu. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê, rồi tôi ở lại với làng quê bởi vậy quê nhà luôn ở trong tôi tự nhiên như hơi thở. Và trong tập thơ này, hình ảnh những người phụ nữ, nhất là người mẹ luôn xuất hiện và gây ám ảnh. Họ là những người đàn bà nhiều khao khát, ước mơ, day dứt, đợi chờ, nỗi đau vùi trong những niềm riêng câm nín. Với tôi, hai đề tài này chưa bao giờ cũ, chỉ là chúng ta phải viết như thế nào để dừng giẫm lên dấu chân những người đi trước. Trong sáng tạo, mỗi người phải tạo được bản sắc và nét riêng cho mình, nếu không anh sẽ bị lẫn vào đám đông.
Về đề tài, đâu là điểm khác nhau giữa “Đợi những vắng xa” với “Ngồi gỡ tơ trời”, ở tác phẩm mới ra mắt bạn đọc dường như phạm vi đề tài bị bó hẹp?
- Đây là chủ đích của tôi, việc đôi khi chúng ta đưa quá nhiều đề tài vào trong một tập thơ bé nhỏ lắm lúc sẽ gây lan man, thiếu trọng tâm và mạch thơ bị rời rạc. Trong tương lai, nếu thấy mình đủ độ chín tôi sẽ thử sức với nhiều đề tài khác nhau, nhưng dù viết ở đề tài nào thì mạch sáng tác của tôi vẫn luôn kết nối, bổ trợ cho nhau.
Bìa tập thơ Đợi những vắng xa.
Ngồi gỡ tơ trời là những bài thơ tôi viết những năm 20 tuổi, lúc ấy có lẽ với bản năng nhiều hơn. Còn Đợi những vắng xa được tôi viết trong hơn ba năm trở lại đây. Tôi nghĩ, về cảm xúc và suy nghĩ về sau này có lẽ chín hơn, sâu hơn khi tôi đã trải qua nhiều va vấp và trải nghiệm. Về kỹ thuật thì tôi thấy mình biết kiệm lời hơn, biết neo nén cảm xúc hơn trong từng câu chữ.
Anh nghĩ gì về bạn viết trẻ của Bình Định hiện nay? Theo anh, người sáng tác cần điều gì để tác phẩm ở lại với bạn đọc?
- Bình Định của chúng ta đang sở hữu một lực lượng viết văn trẻ khá đông đảo, hứa hẹn về chất lượng và những thành tựu trong tương lai. Có những bạn đang là học sinh, sinh viên nhưng đã viết rất tốt. Tại Trại sáng tác Văn học trẻ do Hội VHNT tỉnh tổ chức năm nào cũng phát hiện được một số cây bút tiềm năng, các anh chị bên Hội cũng rất giỏi động viên các bạn ấy đến với văn chương. Tuy vậy dường như so với cả nước, ta vẫn còn thiếu những tên tuổi thật sự nổi bật, tạo được đột biến, dấu ấn trên văn đàn.
Sáng tác là công việc rất nhọc nhằn và cô đơn, trên hành trình sáng tạo ấy người viết phải luôn trau dồi, học hỏi, giữ được lửa đam mê, tinh nhạy với văn chương, với thời cuộc. Để tác phẩm ở lại trong lòng bạn đọc cần rất nhiều yếu tố nhưng tác phẩm ấy phải luôn mang ý nghĩa định hướng thẩm mỹ, hướng về con người và những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh nhiều sức khỏe và thành công!
VÂN PHI (Thực hiện)