“Biệt thự” và “biệt phủ”
Trong ấn tượng của nhiều người, biệt thự là những ngôi nhà sang trọng, đầy đủ tiện nghi. Nhưng ban đầu, biệt thự vốn chỉ là những căn nhà lá đơn sơ. Thự có tự dạng gồm chữ dã (cánh đồng) ở trên, bộ thổ (đất) ở dưới. Nghĩa ban đầu của thự là “đất ruộng”, rồi có thêm nghĩa “ngôi nhà giữa đồng để hóng gió”, về sau mở rộng nghĩa chỉ “nhà xây riêng (biệt) ngoài nhà chính, dùng để nghỉ ngơi”. Như vậy, có thể phân biệt nhà với biệt thự ở chức năng: Một để ở, một để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, nhiều người có xu hướng xây nhà ở theo kiểu biệt thự. Vậy là, sau hàng bao năm “ở riêng”, hai từ nhà và biệt thự giờ đây đang dần “về chung một nhà”.
Biệt phủ là từ mới xuất hiện gần đây. Nhiều cuốn từ điển tiếng Việt chưa ghi nhận từ này. Nhưng hiện nay, mức độ “phủ sóng” của biệt phủ trong ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ báo chí là khá rộng. Cách dùng từ này còn cho ta thấy nhiều điều thú vị.
Phủ (bộ nghiễm - mái nhà) có nhiều nghĩa: 1. Chỗ chứa sách vở, của cải; 2. Chức quan nhỏ chuyên coi việc văn thư, xuất nạp trong kho; mở rộng nghĩa chỉ quan lại nói chung; 3. Nhà ở (như Trần phủ là nhà của người họ Trần), nơi làm việc của quan lại (như phủ đường); 4. Đơn vị hành chính thời xưa. Tri phủ là quan đứng đầu một phủ (tri: biết, làm chủ). Trong lịch sử tỉnh Bình Định, đơn vị hành chính cấp phủ ra đời lần đầu tiên vào năm 1471 với sự kiện vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn (gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn) thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Theo dòng lịch sử, phủ Hoài Nhơn được đổi tên thành phủ Quy Nhơn (năm 1602), phủ Quy Ninh (năm 1651), lấy lại tên cũ là phủ Quy Nhơn (năm 1742)…
Hiện nay, biệt phủ thường được dùng với nghĩa “công trình nhà ở có thiết kế hoành tráng, trang nghiêm và tách biệt; là nơi ở của quan chức, gia đình quyền thế”. Tuy nhiên, từ này chủ yếu được dùng với sắc thái tiêu cực, đi liền với nạn tham nhũng, lối sống phô trương của một bộ phận cán bộ suy thoái. Dĩ nhiên, sự ra đời và tồn tại của một từ/cách dùng từ đều có cơ sở hiện thực của nó.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ