Những chị nuôi ở khu cách ly Cát Tân, Phù Cát: Nuôi quân rồi lại… nuôi dân
Trả lời câu hỏi, nếu anh biểu dương người đã góp công chăm sóc dân trong những ngày này ở đây - Khu cách ly tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát, Trung đoàn Bộ binh 739) - anh sẽ giới thiệu ai? Thiếu tá Huỳnh Khắc Nhân, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Bộ binh 739 nói ngay với tôi, tất nhiên là các chị nuôi; cụ thể là 2 chị - Đỗ Thị Kim Yến và Nguyễn Thị Điểm. Cách nói quả quyết của anh khiến tôi tìm cách làm quen với hai chị.
Các chiến sĩ Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh chia cơm cho đồng bào.
Có lẽ các chị quá bận rộn với công việc, tôi gọi điện đến lần thứ 3 mới có người bắt máy. Nghe tôi trao đổi về việc phỏng vấn, chị Điểm cười nói: “Thôi thôi em à, chị có làm gì đâu mà viết. Nhiệm vụ được giao, là quân nhân là phải cố gắng hết sức mình. Ở đây ai cũng như vậy hết em ơi !”
Thượng úy Nguyễn Thị Điểm, 45 tuổi, có thâm niên công tác gần 17 năm, vui vẻ nói qua điện thoại: “Nhận nhiệm vụ phục vụ người cách ly, chị và đồng đội đã xác định tư tưởng đây là phục vụ đồng bào, để đảm bảo an toàn mình thực hiện tốt quy tắc 5K là được. Nguồn thực phẩm sử dụng phục vụ đồng bào cũng chính là thực phẩm phục vụ bộ đội nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng hóa được khử trùng ngay tại cổng, rồi mới đưa vào doanh trại, tất cả các quy tắc an toàn đều được đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt. Mỗi bữa bếp phục vụ 192 phần cơm cho người cách ly, 40 người cán bộ phục vụ, vậy một ngày các chị phục vụ cho khoảng 230 suất ăn. Ngày ba buổi đều dặn, sáng lúc 6 giờ, trưa lúc 11 giờ và chiều tối lúc 17 giờ.
Thiếu tá Đỗ Thị Kim Yến (bìa phải) và thượng úy Nguyễn Thị Điểm chuẩn bị bữa ăn phục vụ đồng bào trong khu cách ly.
Thiếu tá Đỗ Thị Kim Yến, SN 1972, thuộc Ban hậu cần Trung đoàn Bộ binh 739, tham gia nuôi quân đã 25 năm, tiếp chuyện: “3 giờ bọn chị dậy để chuẩn bị nấu ăn sáng, để đến 6 giờ sáng bộ phận giao thức ăn sáng cho người cách ly đến lấy. Bọn chị thay đổi thực đơn luôn cho đỡ ngán, bao gồm bún, bánh hỏi, xôi thịt, cháo thịt, cháo trứng lộn... Vừa xong buổi sáng, là quay sang làm cơm trưa để 10 giờ là phải có cơm cho bà con rồi. Xong xuôi, là lại lo đến thực phẩm buổi chiều, 12 giờ 30 phút nghỉ ngơi một chút, 13 giờ chiều lại lo cho buổi tối, dọn dẹp xong thì 18 giờ tối!”.
Khó khăn nhất là bà con về đây cách ly ở nhiều vùng miền khác nhau, nhu cầu ăn uống khác nhau nhiều lắm. Người ăn cay, người không. Người ăn mặn, người ăn nhạt. Người ăn hành, người không… có nhiều bà con chia sẻ lý do kiêng khem là do bệnh lý chứ không phải… chảnh, nghe rất tội! Đặc biệt, đợt cách ly này nhiều người có bầu nên ăn uống cũng khác người thường lắm. Tuy nhiên bộ phận nuôi quân vẫn cố gắng điều chỉnh phù hợp với mức ăn và nhu cầu ăn uống của bà con. Có thể không đáp ứng hoàn toàn tốt 100%, nhưng vì trách nhiệm và thật sự là còn vì tình cảm sẻ chia với nhau nên chúng tôi cố gắng đáp ứng tốt nhất trong khả năng. Cấm trại hơn 2 tháng nay nên chị cũng không về nhà. Đất nước, tỉnh mình như thế này, chị chỉ nguyện phục vụ hết mình bà con, phục vụ cho nước nhà. Chồng chị cũng không nói gì, anh ủng hộ việc chị làm vì dân vì nước. Buồn vì bà con mình còn đang kẹt ở TP Hồ Chí Minh, chỉ biết chúc bà con cố gắng vượt qua cơn đại dịch, cả hai chị cùng chung tâm sự.
Nghe những lời này của chị Yến và chị Điểm, lòng tôi thấy ấm áp hơn, tôi thấy tình người lan tỏa trong tim mình. Các chị đẹp lắm! Tôi và bà con trong khu cách ly sẽ nhớ mãi tình cảm của các chị đã gửi gắm qua từng phần cơm, từng bát cháo, và đặc biệt nhớ mãi tiếng gọi của các anh bộ đội mỗi buổi sáng chiều: “Bà con ra lấy cơm đi”. Tiếng gọi ấy thật thân thương, thật hiền lành, thật bình an. Xin cảm ơn!
ĐỖ MỸ DUNG