XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC TƯ PHÁP - HỘ TỊCH:
Kiện toàn lực lượng, chuẩn hóa trình độ
Đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch là điều kiện quan trọng để công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả cao nhất.
Người ít, việc nhiều
Hiện nay, theo quy định pháp luật, công chức tư pháp - hộ tịch (TP-HT) cấp xã phải đảm nhận thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ về kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật; quản lý và đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi, chứng thực; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; báo cáo, thống kê và tham mưu giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ khác về công tác tư pháp tại địa phương theo quy định của pháp luật...
Công chức TP-HT của UBND phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Ảnh: K.T
Gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đội ngũ công chức TP-HT càng thêm nhiều việc. “Phường có 2 công chức TP-HT, chúng tôi phân công nhau vừa thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, tham gia giải quyết thủ tục hành chính, vừa tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch ở địa bàn khu dân cư. Ngoài ra, còn tham gia các đoàn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch”, chị Cao Thị Hồng Bút - công chức TP-HT UBND phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cho hay.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nhiệm vụ công tác tư pháp cấp xã và trực tiếp là của công chức TP-HT ngày càng được mở rộng, khối lượng công việc gia tăng, tính chất phức tạp. Tuy nhiên, đội ngũ công chức TP-HT cấp xã đang bộc lộ những bất cập, hạn chế về số lượng, trình độ và có sự biến động lớn gần đây. Số lượng công chức TP-HT ở một số địa phương còn mỏng, nhiều xã, phường loại 1 và loại 2 có khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp song chỉ bố trí 1 công chức TP-HT chuyên trách. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận công chức TP-HT chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định (chưa có trình độ chuyên môn luật).
Tại Bình Định, theo kết quả rà soát thực hiện cuối tháng 10.2020, trong số 91 xã loại 2 chỉ có 77 xã bố trí đủ 2 công chức TP-HT; vẫn còn 25/262 công chức TP-HT cấp xã chưa có trình độ chuyên môn luật.
Kiện toàn, chuẩn hóa
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Luật Hộ tịch đã quy định cụ thể các tiêu chuẩn bắt buộc đối với công chức TP-HT, đặc biệt là tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công chức TP-HT cấp xã phải am hiểu về chính trị, pháp luật, phong tục, tập quán, có năng lực về tổ chức vận động nhân dân, điều kiện, tiêu chuẩn về độ tuổi, văn hóa, tin học, chữ viết rõ ràng.
“Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức TP-HT cấp xã phải có trình độ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch. Với tính chất công tác mang tính hệ thống, chuyên sâu về pháp luật và sự kiện hộ tịch có tính dân sự, gắn liền với nhân thân của người dân ở cơ sở, công chức TP-HT cần có sự chuyên trách ổn định, kinh nghiệm thực tiễn, nắm chắc địa bàn, tình trạng hộ tịch của hộ gia đình, cư dân để bảo đảm việc quản lý và đăng ký hộ tịch được chính xác, chất lượng và hiệu quả”, bà Lan phân tích.
Để tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức TP-HT và tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, ngày 31.8.2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức TP-HT cấp xã đủ về số lượng, ưu tiên bố trí công chức TP-HT làm công tác hộ tịch chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2.
Đồng thời, thực hiện việc tuyển dụng, bố trí công chức đảm nhận công tác TP-HT có đủ tiêu chuẩn theo quy định, bảo đảm công chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức danh được phân công. Cân nhắc việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức TP-HT cấp xã theo hướng bảo đảm hài hòa giữa việc thực hiện các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng và yêu cầu công việc am hiểu tình hình tại địa bàn dân cư của công tác hộ tịch cấp xã theo quy định.
Cùng đó là bố trí, tạo điều kiện cho đội ngũ công chức TP-HT, nhất là các trường hợp chưa có đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn luật và nghiệp vụ. Đáng chú ý, Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã cần thực hiện hiệu quả công tác quản lý, đăng ký hộ tịch theo quy định. Việc đăng ký các sự kiện hộ tịch đảm bảo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết và lưu trữ sổ, hồ sơ hộ tịch; không để xảy ra tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch để hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ cá nhân. Thực hiện nghiêm việc ghi sổ, biểu mẫu hộ tịch; thực hiện lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin hộ tịch theo đúng quy định, khi thay đổi công chức phụ trách phải thực hiện bàn giao đầy đủ, không để mất, hư hỏng.
KHẢI THƯ