Chuẩn bị ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Việc phòng ngừa, ứng phó thiên tai năm nay có thêm nỗi lo khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Hồ Ðắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, trao đổi về công tác này.
● Một trong những công tác quan trọng để ứng phó với mưa bão, lũ lụt là nâng cấp hồ chứa nước, khai thông dòng chảy. Ông có thể cho biết việc này được tiến hành ra sao?
- Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy về lĩnh vực phòng, chống thiên tai tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, nhắc nhở các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình tạm bắt ngang qua các trục thoát lũ hạ lưu, đặc biệt ở lưu vực sông Hà Thanh, đến nay mọi việc đã hoàn thành. Đồng thời yêu cầu kiểm tra về công trình xây dựng có ảnh hưởng đến thoát lũ trên sông để có những giải pháp trước mùa mưa lũ năm nay.
Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo hiện trạng an toàn đập trước mùa mưa lũ 2021. Đối với hồ chứa tháo phai tràn, mở cửa tràn hoàn thành trước 31.8.2021; đối với đập dâng trên sông cần bảo đảm cấp nước vụ mùa, điều tiết hạ dần mực nước đến ngày 15.9.2021, sau đó tùy theo thời tiết và mực nước trên sông mà xác định thời điểm kéo tất cả các cửa đập để thông thoáng dòng chảy.
Qua kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, có 9 dự án xây mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa được đánh giá cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu vượt lũ; trong số 36 hồ chứa xuống cấp, có 12 hồ chứa nhỏ bị hư hỏng nặng cần hạn chế tích nước trong năm 2021. Sở NN&PTNT cũng kiện toàn lại Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa sông Kôn - Hà Thanh do tôi làm tổ trưởng. Trong nhiệm vụ của Tổ tư vấn, đặc biệt quan trọng là việc vận hành điều tiết hồ chứa nước Định Bình trong mùa mưa lũ để làm sao đảm bảo an toàn công trình và giảm ngập ở vùng hạ du.
● Việc ứng phó với thiên tai năm nay càng khó khăn do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chúng ta đã chuẩn bị ứng phó như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở NN&PTNT sẽ báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét, ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân ở 24 xã, phường ven đầm, biển Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão. Khi phải sơ tán dân đến nơi tránh trú tập trung thì việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Năm nay, đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến hiện có để sơ tán dân khi có nhu cầu.
Cục Hàng hải phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại khu vực biển Cảng Quy Nhơn năm 2020. Ảnh: TIẾN SỸ
Sở Y tế rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn phòng dịch trong điều kiện mưa, lũ. Lực lượng y tế phối hợp với các đơn vị liên quan xét nghiệm tất cả các thuyền viên của các tàu cập bờ, được cứu hộ trong điều kiện mưa bão, trường hợp dương tính SARS-CoV-2 thì kịp thời cấp cứu tại hiện trường và di chuyển cách ly, điều trị theo quy định. Sở Công Thương phối hợp với UBND cấp huyện triển khai phương án cụ thể về cung ứng hàng hóa thiết yếu trong điều kiện giãn cách, để người dân mua sắm trước mưa bão, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần khẩn trương triển khai phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch, bệnh Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ + 5K + vắc xin”; nghiên cứu kỹ để thực hiện theo Sổ tay hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai ban hành ngày 23.8.2021; chỉ đạo các TTYT địa phương chuẩn bị nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện xét nghiệm, điều trị, cách ly đối với nhân dân tại các khu sơ tán trong điều kiện diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19 khi có bão, lũ.
● Trong mùa mưa bão khó lường tới đây, theo ông có vấn đề gì cần quan tâm nhất?
- Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, Bình Định có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1 - 2 cơn bão. Tổng lượng mưa phổ biến có thể cao hơn so với các năm, gây lũ lụt trong tỉnh. Cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12.2021. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Theo báo cáo của Bộ CHQS tỉnh hồi tháng 1.2021 về kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh, có 12 khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, đá tại huyện Hoài Ân (4 khu vực), An Lão (3 khu vực), Vĩnh Thạnh (2 khu vực), Phù Cát (1 khu vực), TP Quy Nhơn (2 khu vực). Việc sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường lượng mưa từ 50 mm trở lên đã được cảnh báo, mà thời gian qua có khu vực trong tỉnh đã mưa đến 150 mm. Trong mùa mưa năm nay, cần phải kiên quyết sơ tán dân ra khỏi 12 khu vực này, với tổng số 657 hộ (2.751 nhân khẩu).
● Xin cảm ơn ông.
HOÀI THU (Thực hiện)