Sân khấu nghệ thuật tuồng truyền thống: Trăn trở về lực lượng kế cận
Trong khi số lượng nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tuồng phần lớn đã lớn tuổi, thì thế hệ diễn viên kế cận lại thưa thớt, việc bổ sung gặp không ít khó khăn. Ðây là nỗi trăn trở chung của nhiều người mộ tuồng, đặt ra với các ngành, các cấp một câu hỏi lớn mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại có quá nhiều phương tiện, loại hình, cách thức giải trí, việc tìm kiếm lớp diễn viên trẻ đủ sức theo đuổi nghệ thuật tuồng thực sự không dễ dàng. Những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh ngoài việc tuyển chọn diễn viên đúng chuyên ngành, còn phải ráng giữ chân các diễn viên trẻ cho đoàn tuồng, nhưng con số diễn viên trẻ theo nghệ thuật tuồng cũng “đếm trên đầu ngón tay”.
Diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn vở tuồng “Chuyện tình công chúa Thiên Hương”. Ảnh: VÂN PHI
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, tâm tình: “Trước đây, Bộ VH-TT&DL từng triển khai chương trình Sân khấu học đường ở Bình Định, qua đó chúng tôi tuyển được 3 em, nhưng hiện chỉ còn 1 em ở lại mà cũng chỉ hợp đồng công việc, 2 em đi tìm việc khác do thu nhập không đủ sống. Trong khi đó, tầm 5 - 7 năm nữa, khi lớp diễn viên, nhạc công lớn tuổi của Đoàn tuồng Đào Tấn của nhà hát về hưu, khi đó nhà hát sẽ thiếu hụt trầm trọng lực lượng diễn viên, nhạc công, chí ít cũng đến 50% nếu không được quan tâm, bổ túc kịp thời”.
Không chỉ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh gặp khó, hơn 10 đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh cũng “đỏ mắt” tìm diễn viên. Ông Phan Ngọc Bạn, Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, bộc bạch: “Các đoàn tuồng không chuyên hầu hết phải tự bươn chải để hoạt động; lớp nghệ sĩ tuồng không chuyên giờ người nào trẻ nhất cũng gần 50 tuổi, lớn nhất hơn 60 tuổi, không ít nghệ sĩ dù đã có thời gian gắn bó lâu năm với nghề nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn phải dứt áo ra đi. Việc tìm diễn viên phục vụ theo hợp đồng đã khó, huống chi tìm diễn diên trẻ để dạy nghề, nếu không có sự quan tâm phù hợp, tôi e rằng nghệ thuật tuồng dần sẽ mai một sau khi lớp diễn viên lớn tuổi không còn nữa!”.
Nhiều nghệ sĩ tuồng cho biết, cũng như các loại hình nghệ thuật sáng tạo khác, ngay cả khi được đào tạo bài bản trường lớp đi chăng nữa thì vẫn cần đến giai đoạn truyền nghề trực tiếp, “cầm tay chỉ việc”. Hơn nữa tìm được diễn viên trẻ truyền nghề đã khó, để giữ chân họ gắn bó, cống hiến lại càng khó hơn nhiều lần.
NSND Xuân Hợi, diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Chính diễn viên trẻ là những người giữ nghề, là thế hệ truyền nghề kế cận sau này. Tiêu chuẩn tuyển dụng diễn viên tuồng hiện nay rất khắt khe nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Tuyển được diễn viên trẻ, rồi đào tạo là cả một kỳ công, nhưng khi họ làm nghề thì thu nhập chẳng thấm vào đâu, làm sao gắn bó với nghề. Do đó, tôi nghĩ Nhà nước cần có thêm chính sách thu hút, đãi ngộ để tìm kiếm lớp trẻ có năng khiếu tuồng bồi dưỡng từ khi ngồi trên ghế nhà trường và tạo điều kiện cho các em được hoạt động tại nhà hát để vừa học nghề, vừa học văn hóa, như vậy mới có được lớp diễn viên giữ nghề”.
Làm cách nào để thu hút người trẻ giữ nghề tuồng là nỗi băn khoăn của ngành Văn hóa tỉnh. Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh tâm tình: Trước đây, ngành Văn hóa có Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật là cái nôi ươm mầm, đào tạo tài năng, năng khiếu của tỉnh. Do sau này trường gặp khó trong việc tuyển sinh nên đã sáp nhập vào Trường CĐ Bình Định. Hiện còn Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh có lớp nghệ sĩ đang truyền dạy tuồng, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng đề án, đề xuất tỉnh quan tâm trong việc tuyển chọn diễn viên trẻ để truyền dạy tuồng, không những tại nhà hát mà còn khuyến khích các đoàn tuồng không chuyên ở các địa phương ươm mầm tài năng trẻ. Cùng với đó, chúng tôi cũng tìm hướng đổi mới để đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả trẻ thông qua hoạt động biểu diễn tuồng phục vụ du lịch, cũng như đề xuất tỉnh có chế độ đãi ngộ giúp đảm bảo cuộc sống cho diễn viên, nhạc công tuồng để họ yên tâm công tác, có như vậy mới bảo tồn, phát huy được nghệ thuật tuồng truyền thống.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN