Câu đối của Ðào Tấn tại cổng thành Nghệ An
Tham quan phòng trưng bày nghệ thuật tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, những người thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa không khỏi cảm động trước bản chụp lưu giữ nội dung câu đối của Đào Tấn viết tại cổng thành Nghệ An khi xưa bày tỏ tinh thần yêu nước, thái độ chính trị của mình đối với tình cảnh đất nước trong thời rối rắm của triều đình nhà Nguyễn. Nội dung câu đối nguyên văn chữ Hán của Đào Tấn do Giáo sư, nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai chép lại.
Bút tích của cụ Đặng Thai Mai chép lại nội dung câu đối của Đào Tấn tại cổng thành Nghệ An khi xưa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Làm quan dưới các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, từng được phong quan đến hàm nhất phẩm, Đào Tấn là người có chính kiến mạnh mẽ, hành xử có trách nhiệm. Qua văn chương của ông, ta có thể thấy rất rõ Đào Tấn từng đau đáu với cái khổ, cái nhục, cái thẹn của những người làm quan trong chốn quan trường dưới thời ông sống, chuyện ông viết câu đối ở cổng thành Nghệ An khi mới ra nhậm chức cũng là một sự khẳng định thái độ chính trị rõ ràng của mình.
Theo nhiều tư liệu lịch sử kể lại, cổng Cửa Tiền, thành Nghệ An được xây từ đời Minh Mạng, lúc đó vẫn quét vôi trắng. Khi Đào Tấn nhậm chức, vừa đến cổng thành đã có ngay câu đối: Hồng sơn Lam giang như kỳ tả hữu/ Hoàng đồng bạch tẩu di nhiên vãng lai. Theo nghĩa đen, câu đối trên có ý nghĩa: “Núi Hồng Lĩnh, sông Lam ở bên trái, phía bên phải thì trẻ con, ông già đi lại tự nhiên”. Nhưng cái thâm ý trong câu đối của Đào Tấn thể hiện trong 16 chữ đó là thái độ chính trị, tình cảm, tinh thần yêu nước, đó là “Dù cho bọn nhóc (bọn tay sai), bọn trắng (chỉ thực dân Pháp) có đi lại nghênh ngang thì núi Hồng Lĩnh, dòng sông Lam vẫn vững vàng đứng đó!”.
Không chỉ là một vị quan thanh liêm, Đào Tấn còn là một chính khách yêu nước, thương dân; trong chốn quan trường ông đã sớm nhận ra và chủ động gia nhập phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc. Các tác phẩm văn chương của ông đã khẳng định chính kiến đứng về phía những sĩ phu, nhân dân yêu nước cầm súng đánh Pháp cứu nước, đặc biệt là xứ An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), nơi ông làm Tổng đốc.
ÐOAN NGỌC