Xe đa năng phục vụ phòng, chống dịch
Nhìn những nhân viên y tế, dân quân mang bình xịt khuẩn nặng nề sau lưng và phải tiếp xúc gần với những vùng, địa điểm nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2, anh Bùi Hữu Thành (TP Quy Nhơn) đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc xe phun khử khuẩn, vận chuyển đồ ăn, nhu yếu phẩm điều khiển từ xa.
Thoạt nhìn chiếc xe khá đơn sơ, thậm chí là thô kệch, ấy thế mà chỉ với vài thao tác đơn giản, chiếc xe đã hoạt động như một con robot thực thụ. Dẫn động 4 bánh xe đã giúp xe xoay 3600 tại chỗ một cách dễ dàng, khung xe được làm bằng các thanh sắt chắc chắn nên trọng tải tối đa của xe lên đến 100 kg. Thùng xe có thể linh hoạt chứa bình phun khử khuẩn hoặc hàng hóa, các vật dụng cần thiết khác, tránh hoàn toàn việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
Việc điều khiển chiếc xe đa năng khá đơn giản. Ảnh: KIỀU ANH
Và điều chúng tôi ấn tượng khi được mục sở thị chiếc xe đa năng này là xe được thiết kế với nhiều tính năng thông minh như tự đi theo bản đồ đã được cài đặt trước; có khả năng phát hiện, dừng hoặc vòng tránh vật cản để đến vị trí đã xác định thông qua hệ thống camera quan sát gắn trên xe và kết nối với màn hình bộ điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe còn có thể vận hành tại địa hình đồng ruộng, vùng sản xuất nông nghiệp, phục vụ việc phun thuốc trừ sâu, đảm bảo cho nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp trong quá trình phun thuốc, ảnh hưởng sức khỏe. “Xe chạy bằng xăng và có thể di chuyển thông qua bộ điều khiển có màn hình trong phạm vi bán kính 1 km đã được lập trình. Người sử dụng chỉ cần bật công tắc và đứng tại một vị trí điều khiển, xe sẽ di chuyển theo đúng mục tiêu mong muốn”, “cha đẻ” của chiếc xe - anh Bùi Hữu Thành - chia sẻ.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đưa xe đa năng vào sử dụng tại các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như khu điều trị, khu cách ly, phong tỏa sẽ góp phần giảm bớt nguy cơ tiếp xúc trực tiếp, tránh lây lan dịch cũng như giảm bớt gánh nặng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại đây. Và hiện chiếc xe đa năng do anh Thành chế tạo đã được anh Trần Tiến Luận (ở tỉnh Đắk Lắk) mua và sử dụng như một “trợ thủ” đắc lực ở ngay chính khu phố đang sống. Anh Luận cho biết: “Việc vận hành xe khá đơn giản và an toàn. Hiện chúng tôi đang dùng nó để tiếp tế đồ ăn cho các gia đình đang thực hiện cách ly y tế trong khu vực và phun khử khuẩn khi cần thiết”.
Vốn đam mê nghiên cứu khoa học điện tử và lập trình, lại thêm lợi thế làm việc trong ngành hàng hải, hằng ngày tiếp xúc với máy móc, thiết bị tàu biển, nên giấc mơ sáng tạo kỹ thuật của chàng trai 9X Bùi Hữu Thành càng được thỏa sức. Thành cho biết, từ khi hình thành ý tưởng đến khi hoàn thành sản phẩm mất gần 1 tháng. Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy là vì có một số linh kiện phải đặt mua ở tỉnh, thành khác, còn thời gian lắp ráp chỉ mất khoảng 2 - 3 ngày. “Chiếc xe thành phẩm đầu tiên đã hoàn thành như mong đợi nhưng chi phí khá cao, trên 50 triệu đồng. Do đó, tôi đang tập trung nghiên cứu cải tạo thêm để có thể giảm bớt chi phí và phát huy tối đa các tính năng của xe. Tôi cũng mong nhận được sự đồng hành của mọi người để cùng nhau góp chút công sức cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 bằng sáng chế của mình”, Thành nói thêm.
KIỀU ANH