Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Trần Cẩm và sắc phong 424 năm
Ở dọc dài Nam Trung bộ đến nay còn lưu giữ hàng nghìn sắc phong ban chức tước, lẫn sắc phong thần, chủ yếu là sắc phong thời Nguyễn. May thay, trong quá trình điền dã, chúng tôi đã tìm thấy một sắc phong thời Lê ban cho Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Trần Cẩm, quản lãnh một sở thuộc vệ Hoài Nhơn xưa. Đến nay sắc phong đã được 424 năm tuổi.
1. “Địa Thi Trần tộc tiền hiền” là một tập phổ liệu do tộc họ Trần ở Mộ Đức xuất bản năm 1994. Tập phổ liệu được xây dựng dựa vào phả hệ của tộc họ Trần làng Địa Thi xưa (nay là các xã Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Tân, một phần xã Đức Chánh, thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), được viết vào thế kỷ thứ XVIII, còn lưu tại nhà thờ thủy tổ họ Trần (thôn Phước Thạnh, xã Đức Thạnh). Theo tập phổ liệu này, Trần Cẩm sinh năm 1545 tại Thanh Oai, Hà Đông, con của ông Quản đội Trần Như Khóa, một võ quan triều Lê Trung Hưng.
Tại nhà thờ họ Trần, chúng tôi thấy còn các sắc, các bản thị cách đây trên dưới 400 năm, ban cho Trần Cẩm gồm: Sớm nhất là bản thị vào năm Quang Hưng thứ 19 (1596) ban cho ông giữ chức ký lục phủ Quảng Nghĩa, tước Quảng Nham tử; tiếp theo là sắc phong năm Quang Hưng thứ 20 (1597) ban cho Trần Cẩm nhận nhiệm vụ ở vệ Hoài Nhơn; bản thị vào năm Hoằng Định thư 8 (1608) ban cho ông giữ chức Cai phủ Tham tướng phủ Quảng Ngãi, tước Quảng Nham hầu; bản thị vào năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), ban cho Quảng Nham hầu Trần Cẩm thăng chức Chánh khám lý phủ Quảng Nghĩa - là chức quan và tước phong cuối cùng của Trần Cẩm.
Sắc ban cho Trần Cẩm quản lãnh Hoành Ngạc Trung sở vệ Hoài Nhơn vào năm Quang Hưng thứ 20 (1597).
Năm 1630, Trần Cẩm “được nghỉ việc nước”, theo phổ liệu đã dẫn, và đến năm 1640 mất, thọ 95 tuổi. Vào năm Khải Định thứ 10 (1925), Trần Cẩm được phong tặng thần hiệu là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần. Hiện mộ ông còn tọa lạc tại cù lao Bàu Súng, xã Đức Chánh. Di tích Mộ và đền thờ Trần Cẩm được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1996.
2. Đây là bản sắc còn nguyên vẹn, dầu đã trải qua 424 năm với bao biến động, chiến tranh, thiên tai, từ năm Quang Hưng thứ 20 (1597). Khảo sát nét chữ, ấn triện, chúng tôi thấy không khác với những nét chữ của một số ít bản sắc được các nhà nghiên cứu tìm thấy và công bố, như bản sắc ban vua Lê phong cho ông Trần Đức Hòa tước Cống Quận công ngày 12 tháng 6 năm Quang Hưng thứ 8 (1584) và sắc ban ông Lương Văn Chánh, tước Phù Nghĩa hầu ngày 5 tháng 12 năm Quang Hưng thứ 19 (1596), đã được giới thiệu trọng sách “Lương Văn Chánh - thân thế và sự nghiệp”, NXB Từ điển bách khoa, năm 2010, cùng nhiều bản thị được ban vào thời Lê Trung hưng mà chúng tôi tìm thấy ở nhiều nơi.
Về chức tước, bản sắc cho biết rõ, là Trần Cẩm được ban chức là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Quảng Nham bá, là tùy tướng của Thái úy Trường Quốc công Trịnh Tùng. Vì Trần Cẩm có công trong việc vận chuyển binh lương nên được thăng chức, và được giao nhiệm vụ quản lãnh Hoành Ngạc trung sở, vệ Hoài Nhơn.
Bấy giờ Hoài Nhơn là một phủ thuộc đạo Thừa tuyên Quảng Nam (cùng với phủ Thăng Hoa - nay là Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa - nay là Quảng Ngãi). Phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn, là vùng đất tương đương với tỉnh Bình Định hiện nay, được vua Lê Thánh Tông thu phục từ năm 1471 - tức đến nay tròn 550 năm.
Trong phần “Quan chức chí” sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cho biết: Ở các xứ thừa tuyên có các Đô ty, đứng đầu Đô ty là Tổng binh và Phó tổng binh, coi việc binh chính; đứng đầu Thừa ty có chức Thừa chánh sứ, Thừa phó sứ, coi việc hộ tịch, tiền, thóc, kiện tụng; đứng đầu Hiến ty có chức Hiến sát sứ, Hiến sát phó sứ, coi việc xét hỏi, kiểm soát, khảo khóa, tuần hành (gọi là Tam ty).
Như vậy, Đô ty Quảng Nam cai quản 3 vệ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn, có nhiệm vụ chính là cai quản binh lính, đứng đầu là quan Tổng binh (như Bùi Tá Hán, Nguyễn Bá Quýnh). Trong mục “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cho biết thêm: Vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông có quy định, dưới Đô ty có 5 vệ, mỗi vệ 5 sở, mỗi sở 20 đội, mỗi đội có 20 người. Sử liệu cũng cho biết, các phép tuyển binh thời Lê Trung Hưng (1533- 1788), cơ bản vẫn giữ như thời vua Lê Thánh Tông. Như vậy, Trần Cẩm quản lãnh sở Hoành Ngạc Trung, tức quản lãnh một sở có 5 đội với khoảng 400 quân lính.
3. Theo bản thị được ban cho Trần Cẩm vào ngày 4 tháng 8 năm Quang Hưng thứ 19 (1596), còn lưu ở nhà thờ họ Trần ở Đức Thạnh (Mộ Đức), lúc này Trần Cẩm chỉ có phẩm tước là Quảng Nham tử và được thăng chức từ Ký lục phủ Quảng Nghĩa, lên làm Tham tướng Cai phủ Quảng Nghĩa, đặt dưới trướng của Trấn thủ dinh Luân Quận công Tống Phúc. Đến ngày 6 tháng 10 năm Quang Hưng thứ 20 (1597), tức hơn một năm sau, Trần Cẩm được bổ nhiệm quản lãnh sở Hoành Ngạc Trung vệ Hoài Nhơn và được thăng chức là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, với phẩm trật là Quảng Nham bá.
Trần Cẩm vốn là Cai phủ tham tướng phủ Quảng Nghĩa, tước Quảng Nham hầu, vì có năng lực, tòng quân đã lâu, lập được nhiều công lao nên được giao giữ chức Phó Đề lãnh phủ Quảng Nghĩa. Lần theo các bản thị, có thể suy đoán, Trần Cẩm quản lãnh sở Hoành Ngạc Trung ở vệ Hoài Nhơn không lâu, vì đến năm 1608 đã được bổ nhiệm làm Phó Đề lãnh phủ Quảng Nghĩa, và cũng đã được thăng từ tước “bá” lên tước “hầu” (Quảng Nham hầu). Nhưng trước khi làm Phó Đề lãnh thì Trần Cẩm đã được bổ nhiệm làm Tham tướng Cai phủ Quảng Nghĩa. Tiếc là chúng tôi không thấy còn bản thị nào “điều động” Trần Cẩm từ vệ Hoài Nhơn về trấn nhậm lại tại phủ Quảng Ngãi trong khoảng thời gian gần 10 năm (từ 1597 đến 1608).
Có thể nói nhân vật Trần Cẩm là một nhân vật lớn có mức độ liên quan sâu đậm đến vùng đất Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay, vì vậy nên được quan tâm, cùng nghiên cứu sâu hơn.
TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ