Tuy Phước đi đầu trong cơ giới hóa nông nghiệp
Hầu như tất cả các khâu sản xuất lúa ở Tuy Phước đã được cơ giới hóa với tỷ lệ cao, thiết bị máy móc sử dụng là loại hiện đại, tiên tiến. Tuy Phước cũng là huyện đi đầu trong tỉnh về ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.
Chỉ sau hơn một giờ, 20 sào lúa của gia đình ông Phan Xuân Lang, ở thị trấn Diêu Trì đã được gặt xong, đóng bao và đưa lên xe chở về. Nếu như trước đây để thu hoạch 20 sào lúa này, gia đình ông phải thuê 2 - 3 nhân công, làm liên tục cả tuần mới xong, chi phí tính ra tầm 1 triệu đồng. Giờ, nhờ có sự hỗ trợ của máy gặt đập liên hợp chi phí giảm còn 1/3 mà thời gian thu hoạch như đã nói ở trên vượt trội tuyệt đối.
Bà con nông dân xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) đưa cơ giới vào khâu thu hoạch lúa. Ảnh XUÂN THỨC
Không chỉ thu hoạch, tất cả các khâu sản xuất lúa ở Tuy Phước đều đã được cơ giới hóa, từ cày đầu vụ và sạ bằng công cụ sạ hàng, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, cuốn rơm đến khâu sấy lúa sau thu hoạch. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, tỷ lệ cơ giới hóa ở hai khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%. Gần đây, huyện thử nghiệm đưa thiết bị bay không người lái trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa nhằm đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ. Khâu sau thu hoạch cũng được huyện chú trọng bằng việc đầu tư máy cuốn rơm rạ và hệ thống máy sấy lúa, chế biến gạo.
Tuy Phước còn sở hữu dàn máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm nhiều và hiện đại hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Ông Cao Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước cho biết, toàn huyện có 225 máy gặp đập liên hợp và 90 máy cuốn rơm, nhiều nhất tỉnh. Cứ máy gặt đập đi đến đâu thì máy cuộn rơm tới đó. Rơm được cuốn thành từng bó tròn gọn gàng, dễ dàng đưa về dự trữ, hoặc xuất bán tại ruộng. Không chỉ phục vụ sản xuất lúa trong huyện, nông dân Tuy Phước còn vận chuyển dàn máy gặp đập đi khắp nơi, lên tận các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai để làm dịch vụ vào mùa thu hoạch.
Một thế mạnh nữa của Tuy Phước là huyện đi đầu trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào khâu sau thu hoạch. Tuy Phước đang đầu tư mạnh cho hệ thống máy sấy lúa và chế biến lúa gạo, giúp vừa thu hoạch vừa sấy lúa ngay tại chỗ. Hệ thống máy sấy giúp hạn chế tình trạng lúa lên mộng, nhất là đối với lúa giống cho vụ Hè Thu do mưa gió, ẩm ướt. Tuy Phước đã xây dựng 5 nhà máy sấy lúa và chế biến lúa gạo.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp được huyện đẩy mạnh nhiều năm qua, góp phần giảm chi phí, giải phóng sức lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, giải quyết được bài toán khó khăn về nguồn lao động. Thời gian tới, huyện có chủ trương tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó bao gồm việc bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các HTXNN thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi để đầu tư kết cấu hạ tầng (gồm hệ thống sấy, nhà kho...) và chế biến sản phẩm. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng đầu tư các nhà máy sấy phục vụ sản xuất lúa giống, hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới hóa ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
“Cơ giới hóa tại huyện Tuy Phước được thực hiện đồng bộ và đạt tỷ lệ cao hơn. Tuy Phước cần đầu tư mạnh hơn vào khâu sau thu hoạch, nhất là hệ thống máy sấy, để giảm tỷ lệ thất thoát thu hoạch lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân” - TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét.
HỒNG HÀ