Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT:
Xe chở hàng quá tải trọng giảm rất nhiều so với trước
Sau 1 tháng đưa vào sử dụng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (sau đây gọi là Trạm cân lưu động) tại tỉnh ta, bước đầu đã có hiệu ứng tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, bất cập khiến chủ xe, doanh nghiệp vận tải bức xúc. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GT VT xung quanh vấn đề này.
* Ông đánh giá thế nào sau 1 tháng triển khai đưa vào sử dụng Trạm cân lưu động tại tỉnh ta?
- Từ kết quả thực hiện cho thấy, Trạm cân lưu động kiểm soát xe quá tải, quá khổ bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định. Thứ nhất, việc tổ chức cân tải trọng xe nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ dư luận xã hội. Thứ hai, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của lái xe, chủ hàng, chủ xe trong vận chuyển hàng hóa đã có nhiều chuyển biến. Trước đây, cứ 10 xe vận chuyển hàng hóa thì có đến 9 xe chở quá tải trọng cho phép (90%) với mức vi phạm gấp 1,5 đến 2 lần tải trọng cho phép, thì hiện nay, số xe chở hàng quá tải trọng cho phép giảm rất nhiều so với trước, chỉ còn khoảng 15%. Thứ ba, nhờ kiểm soát tốt việc tuần tra, xử lý nạn xe “siêu trọng, siêu trường” góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí sửa chữa công trình giao thông, bảo vệ môi trường xung quanh và hạn chế TNGT xảy ra.
* Trong quá trình triển khai trạm cân có còn khó khăn, bất cập gì không, thưa ông?
- Khó khăn nhất chính là công tác hạ tải. Bởi theo quy định của pháp luật thì việc hạ tải do chủ hàng, chủ xe, lái xe chịu trách nhiệm và bảo quản hàng hóa của mình hoặc thuê doanh nghiệp làm dịch vụ để hạ tải, bảo quản tài sản. Nhưng thực tế, hiện nay ở vị trí đặt trạm cân vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra làm việc này. Thứ hai, trong quá trình xử lý vi phạm, một số lái xe hoặc chủ hàng chở hàng hóa vượt tải trọng tỏ thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ. Thứ ba là hệ thống máy tính của trạm cân thường xuyên bị treo hoặc không kết nối được với đường truyền internet của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trong khi đó, việc khắc phục sự cố này chủ yếu phụ thuộc vào Công ty TNHH MTV Hanel (Hà Nội) nên chờ đợi nhiều thời gian.
* Trạm cân lưu động trên QL 1A là cân điện tử nên chỉ cân từng trục của xe, nếu cân xác định quá tải trọng trục liệu có hợp lý?
- Toàn bộ thiết bị cũng như phần mềm cân kiểm tra tải trọng xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp. Thanh tra Sở GTVT tiếp nhận, lắp đặt, vận hành theo đúng quy trình đã được tập huấn và yêu cầu kỹ thuật của đơn vị cung cấp thiết bị. Phần mềm cân đang sử dụng tại trạm có hai hình thức: Thứ nhất, là cân theo trọng tải hàng hóa để xác định quá tải dựa trên trọng tải cho phép ghi trong giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe. Thứ hai, là cân theo tải trọng trục để xác định xe vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép của cầu, đường. Theo quy định các xe có trọng tải hàng hóa nhỏ hơn tải trọng cho phép của cầu đường; các xe có trọng tải hàng hóa tương đương tải trọng cho phép của cầu, đường thì cân theo trọng tải hàng hóa của xe. Đối với các xe có trọng tải hàng hóa lớn hơn tải trọng cho phép của cầu, đường thì cân theo tải trọng cho phép của cầu, đường để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Ví dụ như: Xe thân liền 5 trục có trọng tải hàng hóa cho phép theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là 39,3 tấn, trong khi đó, tổng tải trọng cho phép của cầu, đường là 34 tấn, nhưng trong quá trình xử lý nhiều lái xe phản ứng, không chấp hành, khiến việc giải quyết gặp nhiều vướng mắc.
* Gần đây, có dư luận cho rằng một số xe quá tải né trạm dẫn đến việc “cò” đứng ra nhận “môi giới chung chi” tại trạm. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
- Tôi khẳng định rằng, hiện nay vẫn còn một số xe chở hàng vượt tải né trạm nhưng tại Trạm cân lưu động ở tỉnh ta chưa xuất hiện tình trạng “cò” dẫn xe qua trạm cân; hiện trạm vẫn đang hoạt động an toàn và công tác an ninh xung quanh khu vực trạm diễn ra trật tự.
Để phòng, chống tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ làm việc tại trạm cân, thời gian đến lãnh đạo Sở GTVT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban ATGT tỉnh và trạm cân sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cán bộ trạm móc nối với “cò” bên ngoài (nếu có) vi phạm pháp luật.
* Xin cảm ơn ông!
Trạm cân lưu động trên QL 1A thuộc xã Phước Lộc (Tuy Phước) đã chính thức hoạt động 24/24 giờ (tất cả các ngày trong tuần) từ ngày 15.4.2014. Qua 1 tháng triển khai, lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 1.120 lượt phương tiện, lập biên bản 168 lượt phương tiện vi phạm; xử phạt trên 600 triệu đồng.
TRỌNG LỢI (Thực hiện)