Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân
Luật Tiếp cận thông tin ra đời và đi vào thực tiễn cuộc sống đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát huy dân chủ ngày càng rộng rãi. Không chỉ người dân, tổ chức, DN, mà cơ quan hành chính nhà nước cũng “hưởng lợi” từ cơ chế minh bạch thông tin này.
Theo bà Hồ Mỹ Ngọc Chân - Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), Sở đã chú trọng tổ chức phổ biến rộng rãi Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP (về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin) nhân dịp Ngày Pháp luật hằng năm (ngày 9.11). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP. Trong đó, xác định cụ thể nội dung, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ tổ chức triển khai thi hành Luật; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật này.
Thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thường xuyên được cập nhật.
Thực hiện quy định của Luật này và Nghị định 13, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công khai các thông tin lấy ý kiến nhân dân theo quy định, như: Lấy ý kiến nhân dân đối với tập thể, cá nhân đề nghị tặng thưởng huân chương; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính; điều chỉnh địa giới hành chính về thành lập TX Hoài Nhơn, thành lập thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát)...
Cùng với đó là các thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi Chính phủ; quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, các loại quỹ. Thông tin về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn...
Từ ngày 1.7.2018 đến ngày 30.6.2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 11.039 yêu cầu cung cấp thông tin với nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều được giải quyết đúng quy định.
Đáng chú ý là các thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng, tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, tập trung thông tin số ca nhiễm mới, số ca phải cách ly tập trung, số ca cách ly tại gia đình; thông tin về tiêm chủng; các biện pháp phòng, chống dịch...
Hơn nữa, việc xuất hiện các thông tin không chính xác về tình hình dịch Covid-19, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng gây hoang mang dư luận, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời cung cấp thông tin chính thống, đảm bảo ổn định tình hình tư tưởng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13 đã được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân, DN.
Việc đăng tải, công khai thông tin, cung cấp thông tin được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu tiếp cận thông tin của tổ chức và cá nhân; tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và các nhà đầu tư tìm hiểu, thực hiện đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh; góp phần tăng năng lực thu hút đầu tư của tỉnh, phát triển KT-XH tại địa phương.
Ở chiều ngược lại, thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân khi triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định 13, công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, ban, ngành tỉnh và các địa phương trong tỉnh được nâng cao về hiệu lực, hiệu quả; trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.
Bên cạnh đó, người dân cũng đã kịp thời phản ánh, kiến nghị các vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành các chính sách, quy định pháp luật để các cơ quan nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
KHẢI THƯ