Chủ động để tránh giãn dây chằng cổ tay
Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì tổn thương có thể không hồi phục, dẫn tới tình trạng đau mạn tính hoặc gây ảnh hưởng tới khả năng vận động.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng cổ tay bị giãn dây chằng chủ yếu là do té ngã. Ngoài ra, còn có thể bị đánh vào cổ tay, xoắn cổ tay, các động tác xoay, vặn tay đột ngột dễ gây giãn dây chằng. Bên cạnh đó, nếu phải thường xuyên khuân vác hoặc bưng bê đồ vật nặng sẽ làm hệ thống dây chằng bị kéo căng liên tục, dễ dẫn đến tình trạng giãn dây chằng. Giãn dây chằng cổ tay kéo dài có thể khiến khớp cổ tay lỏng lẻo, vận động khó khăn.
Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng dây chằng quanh cổ tay căng giãn quá mức sau chấn thương phần lớn là do té ngã.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Trưởng khoa Nội trung cao, BVĐK tỉnh cho biết: “Cổ tay là vùng có cấu tạo phức tạp, gồm nhiều xương nhỏ và dây chằng. Các động tác vặn và xoay bàn tay, chống đỡ khi trượt té có thể dẫn đến giãn dây chằng cổ tay. Các dấu hiệu giãn dây chằng là cảm thấy đau nhức kèm sưng tấy, bầm tím ở vùng cổ tay”.
Có 3 cấp độ giãn dây chằng cổ tay là: Cấp 1: Bệnh nhân bị đau đi kèm với dây chằng bị tổn thương nhẹ; Cấp 2: Bệnh nhân bị đau, dây chằng tổn thương nặng hơn, có cảm giác lỏng lẻo ở khớp và cổ tay; Cấp 3: Người bệnh bị đau, dây chằng bị rách hoàn toàn, lỏng khớp nghiêm trọng, mất chức năng cổ tay.
Khi nghi bị giãn dây chằng, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện y lệnh của bác sĩ; để cổ tay nghỉ ngơi tối thiểu 48 giờ; thường xuyên nâng cổ tay lên vị trí cao hơn tim và có thể đặt tay lên đầu gối; Băng cổ tay: Nhằm mục đích giảm sưng, đau. Người bệnh có thể băng cổ tay 20 - 30 phút sau mỗi 3 - 4 giờ một lần trong vòng 2- 3 ngày hoặc cho tới khi hết đau; dùng nẹp cố định cổ tay: Thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về thời gian sử dụng nẹp; tập các bài tập căng cơ theo hướng dẫn của bác sĩ. Với các trường hợp bị giãn dây chằng nặng (cấp độ III) khi dây chằng bị đứt hoàn toàn thì bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật để điều trị. Giãn dây chằng cổ tay rất khó phòng ngừa, vì thường do tai nạn gây ra. Ngay cả các VĐV được đào tạo tốt nhất cũng có thể bị chấn thương. Vì vậy, cần đảm bảo an toàn khi tham gia bất cứ hoạt động nào. Người bệnh không nên nóng vội để vận động nặng cho đến khi không cảm thấy đau ở cổ tay khi để yên, có thể làm việc, nắm bắt và di chuyển các đồ vật mà không bị đau. Nếu người bệnh cố gắng dùng lực cổ tay trước khi nó phục hồi, có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)