Tuyên truyền phòng, chống dịch bằng tiếng dân tộc thiểu số
Nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương miền núi trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền bằng tiếng Kinh kết hợp với tiếng Chăm, Bana, H’rê…
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, hằng ngày với ba khung giờ đã định, lực lượng CA xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) cùng với các cán bộ xã, thôn, làng đi đến từng ngõ ngách trong các xóm làng có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, tuyên truyền và nhắc nhở người dân phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng Kinh lẫn tiếng Chăm, Bana. Nhờ đó, đa số người dân tại các thôn, làng nắm bắt được kịp thời và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định phòng dịch.
Ông Trần Văn Tiển, ở làng Hiệp Hưng (xã Canh Hiệp), bộc bạch: “Cán bộ CA xã tuyên truyền về dịch bệnh bằng tiếng Chăm giúp tôi hiểu và nắm bắt thông tin thuận lợi, chính xác hơn. Tôi đã nhắc nhở con cháu trong nhà tự giác phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế đầy đủ, không tập trung đông người và thường xuyên rửa tay theo đúng quy định”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Luận, Trưởng CA xã Canh Hiệp, cho biết: “Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã chiếm 87% dân số, nhiều người không nghe được tiếng phổ thông, nhất là người già và trẻ nhỏ. Hiện lực lượng CA xã có 2 cán bộ là người Chăm và Bana nên công tác tuyên truyền giúp bà con nắm thông tin về dịch bệnh và cách phòng tránh cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
Theo ông Phạm Thành Tuyên - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vân Canh - hiện trên địa bàn có 11 dân tộc thiểu số, nhưng đa số là dân tộc Chăm và Bana, chiếm 40% dân số của huyện. Bởi vậy, để công tác tuyên truyền phòng, chống dịch đạt hiệu quả, huyện xác định phải tuyên truyền bằng tiếng Chăm, Bana với nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, với nội dung ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hành; tổ chức các xe tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư xa trung tâm xã; truyền thông qua mạng xã hội, băng rôn, tờ rơi…
Huyện Vĩnh Thạnh có 26% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bana, chính vì thế công tác truyền thông bằng hai thứ tiếng Kinh và Bana cũng phát huy hiệu quả trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Theo đó, cán bộ hội, đoàn thể, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, xe loa lưu động tại khu dân cư; phát tờ rơi, có hình ảnh trực quan tuyên truyền về phòng, chống dịch; ưu tiên cán bộ là người dân tộc thiểu số, người có uy tín tham gia vào các tổ giám sát cộng đồng, tổ Covid-19 đi đến từng ngõ, từng hộ dân…
Bà Hồ Thị Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Tuyên truyền phòng, chống dịch bằng tiếng Bana giúp bà con người Bana hiểu đúng về dịch bệnh và thực hiện hiệu quả các quy định về phòng, chống dịch bệnh, góp phần hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn”.
Theo bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để công tác phòng, chống dịch trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả cao nhất, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi. Phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín, già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số làm “cầu nối” tích cực tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch, cũng như không nghe theo những thông tin độc hại, phần tử xấu kích động, lôi kéo… góp phần đảm bảo tình hình ANTT, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh, chiếm đa số là 3 dân tộc Chăm, Bana, H’rê. Bà con sinh sống tập trung tại 119 thôn, làng, khu phố thuộc 33 xã, thị trấn của 6 huyện. Từ khi xuất hiện dịch bệnh, Mặt trận, các cấp, ngành đã linh hoạt sử dụng nhiều thứ tiếng của người đồng bào dân tộc thiểu số để truyền tải những thông tin cần thiết về phòng, chống dịch đến người dân, gia đình; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của chính quyền cơ sở và hướng dẫn của ngành y tế trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh HỒ THỊ KIM THU
DUY ĐĂNG