Chăm lo chu đáo người cách ly
Trong hoàn cảnh dịch bệnh ngặt nghèo, sự tận tâm của những người lính làm nhiệm vụ phục vụ trong các khu cách ly đã giúp người dân thêm ấm lòng, tiếp thêm cho họ năng lượng tích cực.
Giúp công dân cách ly thoải mái và yên tâm
Có mặt tại khu cách ly tập trung Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui và hạnh phúc vẫn còn hiện diện rõ trên gương mặt của các công dân khi được trở về quê hương. Bởi họ biết rằng, được trở về quê trong thời điểm này là may mắn rất lớn. Điểm đặc biệt trong đợt tiếp nhận công dân lần này là có rất nhiều phụ nữ mang thai. Do đó, việc tổ chức tiếp nhận cũng như chăm sóc đã được các khu cách ly chuẩn bị chu đáo.
Các suất ăn cho người cách ly được chuẩn bị rất chu đáo, đảm bảo dinh dưỡng. Ảnh: H.P
Thiếu tá Huỳnh Khắc Nhân - Chỉ huy trưởng Khu cách ly Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh - cho biết: “Hiện tại, Trung tâm đang tổ chức cách ly 153 công dân do tỉnh đón từ vùng dịch về, trong đó có 50 phụ nữ đang mang thai. Chúng tôi bố trí 1 khu cách ly riêng dành cho các bà bầu với phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát. Trung tâm cũng ưu tiên đảm bảo các công tác hậu cần khác cũng như cắt cử lực lượng giúp đỡ các chị em khi cần để họ cảm thấy thoải mái và yên tâm trong thời gian cách ly”.
Sau 4 ngày ở khu cách ly, hầu hết phụ nữ đang mang thai đều bày tỏ sự hài lòng. Nhiều người tỏ ra khá bất ngờ bởi sự chu đáo, nhiệt tình của lực lượng làm nhiệm vụ và chế độ ăn uống tại đây. Chị Lê Thị Kim Chi (27 tuổi, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) trông khỏe mạnh, vui vẻ hơn khi được về quê dưỡng thai giữa mùa dịch. Vô TP Hồ Chí Minh từ đầu năm, chị Chi đi làm công nhân, còn chồng làm tài xế. Dịch bùng phát, công ty dừng sản xuất khiến hai vợ chồng mất việc, khó khăn đủ bề. “Hơn 3 tháng qua hai vợ chồng chỉ ở căn phòng trọ chật hẹp, ngột ngạt. Tiền bạc dần cạn kiệt vì mất việc dài ngày, phần vì tôi mang thai gần 8 tháng, nghĩ đến cảnh phải sinh con ở nơi đất khách quê người, dịch bệnh phức tạp, hai vợ chồng lo lắng lắm. Về đến quê, được ở trong khu cách ly đầy đủ tiện nghi, cán bộ lại nhiệt tình, tôi mừng rớm nước mắt”, chị Chi cho biết.
Được về quê, chị Mai Thị Như Trúc (22 tuổi, quê xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) rất vui mừng nhưng cũng lo lắng vì chồng và đứa con nhỏ 4 tuổi còn kẹt lại TP Hồ Chí Minh. “Bây giờ em đã ổn, được về quê để dưỡng thai và sinh con. Ở đây, chị em bầu bì được bộ đội chăm lo đầy đủ, luôn động viên để mọi người an tâm tư tưởng. Chỉ mong sao bớt dịch, chồng và con nhỏ được về quê để gia đình đoàn tụ, có điều kiện chăm sóc con chu đáo”, chị Trúc nói.
Tận tâm, chu đáo
Sau sự cố khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) có liên quan đến F0, ngành chức năng đã chuyển tất cả bệnh nhân chạy thận và người nhà đến cách ly tại khu cách ly tập trung Trường CĐ Bình Định (cũ). Trung tá Ma Văn Khương, Chỉ huy trưởng Khu cách ly, cho biết: Hiện có 39 bệnh nhân chạy thận và 9 người nhà đang được chăm sóc tại đây. Đa số các trường hợp đều có hoàn cảnh khó khăn. Đều đặn từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi ngày 3 ca, bệnh nhân được đưa đến BVĐK tỉnh để chạy thận, sau đó được đưa về. “Để thuận tiện việc đi lại, chúng tôi bố trí các bệnh nhân nặng ở tầng 1, bệnh nhân nhẹ ở tầng 2. Việc ăn uống đều đảm bảo trước giờ bệnh nhân đi chạy thận. Công việc tương đối vất vả vì khung tiếp nhận, quản lý cả bộ đội và y tế chưa đến 20 người nhưng lúc cao điểm phục vụ hơn 460 người cách ly”, trung tá Khương cho biết.
Thượng tá Võ Hồng Thư, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 739, chia sẻ rằng: Việc phục vụ ăn uống tập thể cho bệnh nhân chạy thận gặp rất nhiều khó khăn bởi thành phần đa dạng từ người bệnh nặng, người lớn tuổi cho đến người ăn chay. Đó là chưa kể thời gian chạy thận của từng người cũng khác nhau. Cao điểm có ngày phục vụ hơn 650 suất cơm. Chính vì vậy, Trung đoàn phải bố trí lực lượng cả trên sở chỉ huy và tại khu cách ly để phục vụ việc ăn uống và hỗ trợ bệnh nhân di chuyển, sinh hoạt hằng ngày.
Ban đầu khi nghe thông tin chuyển sang khu cách ly để ở, bà Nguyễn Thị Thanh (68 tuổi, ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) rất lo lắng. Nhưng bây giờ thì bà đã yên tâm: “Việc chạy thận của chúng tôi được đảm bảo đúng chu kỳ; nghỉ ngơi, ăn uống đều được bộ đội lo rất tươm tất”. Cùng ý kiến, bà Nguyễn Thị Nho (66 tuổi, ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) - người có 11 năm chạy thận, tâm tư: “Trong thời điểm dịch giã căng thẳng, có nhiều nguy cơ lây nhiễm nhưng bộ đội vẫn tận tụy chăm sóc chúng tôi như người thân. Chúng tôi cảm thấy may mắn và biết ơn”.
Ở khu cách ly tập trung tại Trường CĐ Bình Định (cũ) có nhiều bệnh nhân chạy thận đã hết thời gian cách ly nhưng vì hoàn cảnh khó khăn vẫn được tạo điều kiện để ở lại. Việc này rất kịp thời, vừa giúp bệnh nhân đảm bảo sức khỏe, vừa an toàn cho cộng đồng.
HỒNG PHÚC