PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG GIAI ĐOẠN MỚI:
Bài bản, thống nhất, phù hợp thực tiễn
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã bước vào giai đoạn mới với yêu cầu phải bài bản, căn cơ, thống nhất và phù hợp diễn biến thực tế.
Ngày 13.9, trong cuộc họp đầu tiên sau khi được kiện toàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã dành nhiều thời gian thảo luận về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bình Định trong giai đoạn mới.
Nới lỏng giãn cách tại vùng an toàn
Kế hoạch đặt ra 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, chủ động phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời bao vây, khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để, không để lây lan trên diện rộng và bùng phát thành dịch lớn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cách ly y tế kịp thời và điều trị hiệu quả, giảm thiểu tối đa biến chứng và tử vong.
Thứ hai, đảm bảo phát triển KT-XH trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và đảm bảo ANTT trên địa bàn toàn tỉnh.
Thứ ba, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tại các vùng/ khu vực an toàn với Covid-19 phù hợp với tình hình và diễn biến của dịch bệnh để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân ổn định thu nhập, cuộc sống.
Để đạt được 3 mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, vận động; ngăn chặn, phát hiện sớm dịch bệnh; thực hiện giãn cách xã hội; giám sát dịch bệnh tại cộng đồng. Đồng thời, nâng cao năng lực cách ly tập trung; tăng cường khả năng tiếp nhận, thu dung điều trị người bệnh và năng lực xét nghiệm; tiêm chủng vắc xin...
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, Kế hoạch có nhiều điểm mới; trong đó đáng chú ý là nghiên cứu thí điểm mô hình người dân tự xét nghiệm bằng test nhanh SARS-CoV-2 tại địa bàn TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, Hoài Nhơn, huyện Phù Cát để triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh. Cho phép các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh bán test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Test nhanh tầm soát vi rút SARS-CoV-2 cho người lao động tại Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn liên quan đến ổ dịch ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn vào ngày 13.9. Ảnh: PHAN TUẤN
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng, trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp, người dân có điều kiện tự test nhanh thường xuyên để bảo vệ sức khỏe là rất cần thiết, cần thực hiện ngay trên phạm vi toàn tỉnh để mở rộng diện bao phủ xét nghiệm. Song, Sở Y tế phải chỉ đạo và quản lý được các nhà thuốc bán test nhanh, ban hành hướng dẫn thực hiện cụ thể, nhất là cơ chế thông báo khi có ca dương tính để xử lý kịp thời.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh đã bàn bạc, thống nhất thành lập tổ giúp việc và 5 tiểu ban (Chỉ đạo sản xuất, lưu thông hàng hóa; An ninh trật tự; Tuyên truyền - vận động; An sinh xã hội; Y tế). Ban Chỉ đạo cũng thảo luận, thông qua dự thảo phân công nhiệm vụ các thành viên và Quy chế làm việc của Ban.
“Khâu xét nghiệm tầm soát phải được duy trì thường xuyên từ nay đến cuối năm 2021 để nhận định rõ vùng dịch, vùng an toàn để có phương án quản lý phù hợp”, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý thêm.
Liên quan đến khâu tầm soát định kỳ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn yêu cầu ngành Y tế phải nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án thực hiện đối với từng vùng, nhất định không cào bằng, thực hiện đại trà “vùng xanh” cũng như vùng nguy cơ. Mỗi lần tầm soát xong phải vẽ được bản đồ dịch tễ cụ thể đến từng thôn, xóm phục vụ cho công tác quản lý.
Đồng bộ, thống nhất
Từ thực tế giãn cách để chống dịch thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn nhấn mạnh yếu tố khoa học trong quá trình thực hiện. Cụ thể, phải tính toán phạm vi phong tỏa liên quan đến F0, chứ không phải theo thôn, xã như trước đây.
Test nhanh tầm soát vi rút SARS-CoV-2 cho người dân phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn vào ngày 13.9. Ảnh: PHAN TUẤN
“Phong tỏa theo địa giới hành chính là dễ cho mình, nhưng đẩy cái khó cho dân, lại chống dịch không hiệu quả. Phải thay đổi cách làm. Chưa đầy 40 cây số từ Hoài Nhơn đi An Lão mà quá trời chốt, chốt nào cũng đòi bỏ hàng xuống trung chuyển thì ai chịu nổi? Đã là “vùng xanh” như nhau thì xã này qua xã kia chốt cái gì nữa? Cùng một hệ thống chính trị, cùng một hệ thống quản lý nhà nước mà không liên thông gì cả!”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy gay gắt nói.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh giao Sở Y tế tham mưu phương án phong tỏa khu vực nguy cơ cao trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn dựa vào bản đồ dịch tễ theo bán kính địa bàn ghi nhận F0 với yêu cầu: “Đã phong tỏa thì phải đạt mục đích, sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Trước khi phong tỏa phải chuẩn bị đầy đủ hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, không để người dân bị động, khó khăn”.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các giải pháp phòng, chống dịch tới đây phải bài bản, căn cơ, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải mang tính xuyên suốt; ban chỉ đạo cấp huyện, xã phải được kiện toàn theo hướng bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban để gắn trách nhiệm người đứng đầu; ban chỉ đạo cấp cơ sở phải nắm vững các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo về chống dịch của Trung ương và tỉnh.
"Phải kiểm soát được di biến động dân cư; thôn, xóm nào có ai đi ai ở, đặc biệt là kiểm soát đội ngũ lái xe đường dài. Cái này thật sự không khó; tới đây, địa phương nào để xảy ra dịch mà không nắm được dân cư thì xử lý trách nhiệm ngay”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
“UBND tỉnh xem xét ban hành quy định về giãn cách, phong tỏa phù hợp với thực tế để người dân từng bước khôi phục sinh hoạt, sản xuất. Cùng với đó là quy định về tiêu chí để công nhận khu dân cư, DN an toàn, đủ điều kiện thì cho phép đi lại, sản xuất. Các ngành, địa phương cũng cần sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch khi mưa bão sắp đến”, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cũng nêu rõ quan điểm phải đảm bảo nguồn lực để chống dịch hiệu quả, khôi phục đời sống, sản xuất. Về cơ chế hỗ trợ tài chính thực hiện công tác phòng, chống dịch, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% cho 3 huyện miền núi (An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh), 70% cho 2 huyện trung du (Tây Sơn và Hoài Ân) và 50% cho các địa phương còn lại.
NGUYỄN VĂN TRANG