Tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Thời gian qua, các địa phương đã xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của cấp huyện nhưng nội dung chưa phù hợp với hướng dẫn, nhất là về trách nhiệm phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện và UBND cấp xã. Việc xử lý vi phạm, kỷ luật để xảy ra vi phạm kéo dài; kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện; các khu vực khoáng sản cần được bảo vệ; việc lập dự toán, nguồn kinh phí thực hiện, mức chi chưa phù hợp. Do vậy, tháng 6.2021, Sở TN&MT xây dựng mẫu phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác để các địa phương tham khảo, thực hiện. Và đến nay, các địa phương đã xây dựng xong.
Khu vực quy hoạch mỏ đất san lấp số hiệu 86, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ có diện tích 19,7 ha. Ảnh: Sở TN&MT cung cấp
Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT cho hay: Về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh ta đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có 212 mỏ khoáng sản các loại, với tổng diện tích 38.418 ha. Trong đó, quy hoạch mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn có 173 mỏ, diện tích 32.902 ha (điều chỉnh mở rộng và thu hẹp 106 mỏ, bổ sung mới 67 mỏ); quy hoạch mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ có 39 mỏ, diện tích 5.516 ha (điều chỉnh mở rộng 8 mỏ và bổ sung mới 31 mỏ). Các đối tượng tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cần được bảo vệ gồm: Khoáng sản đã được điều tra, phát hiện; chưa được điều tra, phát hiện; chưa được cấp phép khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của các mỏ đã đóng cửa và các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng chưa đóng cửa mỏ.
Việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được nhiều địa phương quan tâm, huyện Vân Canh là một ví dụ. Vân Canh có tiềm năng về cát, đá làm vật liệu xây dựng và đất làm vật liệu san lấp, đất sét, đến nay huyện đã xác định được 18 vị trí khoáng sản có thể huy động khai thác nằm trong quy hoạch. Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, thông tin: Theo Quy hoạch khoáng sản, trên địa bàn huyện có 10 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 2 mỏ cát xây dựng, 1 mỏ đất sét, 5 mỏ đất san lấp. Huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật khoáng sản, hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác rộng rãi đến nhân dân. Vận động người dân không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Đơn vị tư vấn thực hiện kiểm tra, lấy mẫu mỏ đất để đánh giá.
Còn trên địa bàn huyện Phù Mỹ, các loại khoáng sản chưa khai thác, được quy hoạch để bảo vệ là đá granite, đất sỏi đồi, cát lòng sông, đất sét...; gồm 14 mỏ đá xây dựng, 9 mỏ đất san lấp, 2 mỏ cát xây dựng, 2 mỏ đất sét, 1 mỏ than bùn. “Thời gian qua, Phòng TN&MT cùng các ngành và địa phương tiến hành kiểm tra bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Qua kiểm tra đã bắt và xử lý vi phạm hành chính 27 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, phạt với số tiền 324 triệu đồng và tịch thu phương tiện vi phạm vắng chủ theo quy định pháp luật”, ông Phan Xuân Vũ, Trưởng Phòng TN&MT huyện Phù Mỹ, cho biết.
Theo ông Trương Bá Vinh, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT): Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt là đất san lấp, cát, sỏi, vì nhu cầu làm vật liệu xây dựng lớn; khối lượng khoáng sản trên thực tế cao hơn khối lượng được cấp phép khai thác khoáng sản. Hoạt động khai thác trái phép chủ yếu thực hiện ngoài giờ hành chính, tập trung vào ban đêm. Sở TN&MT chỉ đạo UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành kế hoạch kiểm tra và biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo thẩm quyền. Phối hợp với UBND cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
ĐÌNH PHƯƠNG