Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp lơ là phòng cháy, chữa cháy
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác PCCC, tuy nhiên gần đây trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các DN, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, gây thiệt hại lớn về tài sản. Phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh về vấn đề này.
Đại tá
NGUYỄN VĂN LONG
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, chỉ tính riêng trong tháng 8.2021, toàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố thiết bị điện và sơ suất trong sử dụng lửa, nguồn nhiệt.
Chỉ trong 1 tháng mà trên địa bàn tỉnh xảy ra đến 41 vụ cháy. Phải chăng công tác PCCC còn nhiều lỗ hổng đáng ngại, thưa đại tá?
- Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó”, chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết. Trong thời gian này, nhu cầu sử dụng thiết bị điện, điện tử, sử dụng các dịch vụ trực tuyến như dạy học online hay mua sắm online của người dân tăng mạnh. Cùng với thời tiết trong tháng 8 vừa qua khá oi bức, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát có công suất lớn, tiêu thụ điện năng cao… tăng cao, dẫn đến hiện tượng quá tải nguồn điện, chập mạch dây dẫn điện, tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy. Hơn nữa, tại một số cơ sở sản xuất, DN, người đứng đầu còn lơ là, chủ quan trong công tác PCCC.
Các vụ cháy thường gây thiệt hại lớn về tài sản. Thế nhưng, vẫn còn có nhiều tổ chức, cá nhân, DN chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC?
- Qua điều tra các vụ cháy lớn xảy ra tại các xưởng sản xuất cho thấy, phần lớn nguyên nhân là từ yếu tố khách quan, khi xảy ra cháy thì phát hiện chậm, cơ sở tự chữa cháy, đến khi đám cháy lan nhanh ra diện tích lớn, chủ các cơ sở mới báo cháy cho Cảnh sát PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh) chữa cháy ở một cơ sở chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Phú Tài. Ảnh: N.H
Bên cạnh đó, một số chủ cơ sở sản xuất chưa thật sự coi trọng công tác đảm bảo an toàn PCCC. Nhiều cơ sở sản xuất có kết cấu nhà tiền chế (khung thép, mái lợp tôn, có tấm lót trần bằng mút, xốp, nhựa) đưa vào hoạt động trong nhiều năm, dẫn đến nhiều hạng mục, hệ thống, thiết bị PCCC xuống cấp, hư hỏng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, đặt nặng mục tiêu kinh tế, cắt giảm chi phí đầu tư cho các hạng mục PCCC, trang bị, lắp đặt hệ thống, thiết bị PCCC không bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật.
Ngoài ra, kinh phí dành cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các hạng mục máy móc, thiết bị PCCC&CNCH còn ít, dẫn đến hệ thống trang thiết bị PCCC&CNCH xuống cấp, hư hỏng. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC&CNCH còn yếu kém, hạn chế; nhất là việc đảm bảo công tác thường trực chỉ huy để phát hiện cháy sớm và triển khai chữa cháy chưa đạt yêu cầu đề ra.
Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, đại tá có thể cho biết Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã có những biện pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác PCCC?
- Xác định công tác PCCC&CNCH là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu cho lãnh đạo CA tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các cấp nhiều biện pháp, giải pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC&CNCH, trong đó tập trung kiện toàn lực lượng PCCC tại cơ sở và chuyên ngành tại các khu công nghiệp, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC&CNCH. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổbiến kiến thức, pháp luật vềPCCC&CNCH, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân. Đẩy mạnh công tác hướng dẫn trách nhiệm PCCC của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, DN, hộ gia đình.
Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ quan, đơn vị, DN, cơ sở sản xuất… Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn. Tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất xây dựng không đảm bảo các quy định về PCCC. Công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hướng dẫn thực hiện các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC cho loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Kiện toàn mô hình tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH ở địa phương, đặc biệt là các tổ cảnh sát PCCC&CNCH CA cấp huyện. Chúng tôi cũng phát triển mạng lưới các đơn vị cảnh sát PCCC & CNCH tại các địa bàn, khu vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xin cảm ơn đại tá!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)