Thêm nhiều chính sách nâng cao chất lượng chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội
Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021) đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, thúc đẩy công tác xã hội hóa hoạt động này. Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc thực hiện cụ thể Nghị định này trên địa bàn tỉnh.
Thưa ông, được biết so với Nghị định cũ, Nghị định 20 có đến 6 điểm mới. Đề nghị ông nói rõ hơn về những điểm mới này?
Đúng vậy! Nghị định 20 bổ sung một số nhóm đối tượng được hưởng chính sách. Cụ thể: Người từ 75 - 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Tặng quà cho trẻ em Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: N.T
Nghị định mới cũng nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270 nghìn đồng/tháng lên 360 nghìn đồng/tháng và có sự điều chỉnh tăng đối với hệ số hỗ trợ tối thiểu dành cho đối tượng ở trong cơ sở trợ giúp xã hội, chế độ hỗ trợ chi phí mai táng, hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy do thiên tai, hỏa hoạn.
Nghị định 20 thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng hợp nhất, trong đó cắt giảm 5 thủ tục, tạo thuận lợi để người dân đăng ký, kê khai thông tin hưởng chính sách và tạo điều kiện để các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận đăng ký và giải quyết chính sách trực tuyến. Nghị định quy định chi tiết về phương thức, cách thức thực hiện chi trả chính sách thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ, trong đó hướng tới chi trả điện tử thông qua tài khoản ngân hàng.
So với trước đây, Nghị định 20 phân công, phân cấp trách nhiệm rõ trong quá trình thực hiện chính sách. Bỏ quy định thành lập hội đồng xét duyệt chính sách ở cấp xã, giao trực tiếp trách nhiệm cán bộ công chức và UBND cấp xã. Ngoài ra, quy định cụ thể về kinh phí, cơ chế lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí, tạo thuận lợi để các địa phương huy động nguồn lực trong quá trình thực hiện.
Đối với khó khăn lâu nay của các cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là công tác nhận nuôi dưỡng những đối tượng ngoài chính sách tại các cơ sở, Nghị định 20 đã tháo gỡ những gì, thưa ông?
Nghị định 20 đã tháo gỡ được hai khó khăn lớn liên quan đến các cơ sở trợ giúp xã hội trong tỉnh. Đó là nâng mức chuẩn và hệ số trợ cấp xã hội lên. Việc này góp phần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cũng như giúp công tác lo hậu sự, mai táng khi đối tượng bị đau ốm bệnh tật qua đời được chu đáo hơn. Trước đây, khi thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, có những thời điểm giá cả tăng cao, để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho đối tượng, có những thời điểm các cơ sở phải sử dụng kinh phí từ những nguồn viện trợ để chi thêm vào khẩu phần ăn của đối tượng.
Nghị định 20 nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270 nghìn đồng/tháng lên 360 nghìn đồng/ tháng, với hai hệ số trợ cấp là 4.0 và 5.0. Kinh phí trợ cấp hàng tháng cho 1 đối tượng từ 1,44 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/tháng/người. Tiền ăn đối với đối tượng bảo vệ khẩn cấp từ 40.000 đồng/người/ ngày lên 60.000 đồng/người/ngày. Mai táng phí từ 5,4 triệu đồng/ người lên 18 triệu đồng/người. Tôi cho như vậy là phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại.
Một số nội dung chi khác như: thuốc thông thường, tư trang vật dụng, dụng cụ học tập, chi phí quản lý…, Nghị định 20 cũng nêu cụ thể và hiện nay Bộ Tài chính đang dự thảo hướng dẫn. Theo dự thảo thì nhiều khả năng sẽ thực hiện cơ chế mở với việc này, tức là cho đơn vị chủ động xây dựng số lượng vật dụng phù hợp với tình hình của đơn vị (căn cứ trên danh mục vật dụng quy định). Những nội dung này trước đây chỉ nói chung chung.
Liên quan đến công tác xã hội hóa hoạt động của các cơ sở, Điểm 6 của Nghị định đã quy định cụ thể về kinh phí, cơ chế lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí. Điều này tạo thuận lợi để các cơ sở trợ giúp thuận lợi xây dựng phương án xã hội hóa trong trợ giúp các đối tượng. Nghị định cũng đưa ra mức hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đang thực hiện việc tiếp nhận và chăm sóc đối tượng bao gồm những cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, hộ gia đình và cá nhân.
Nghị định mới tạo điều kiện khắc phục những khó khăn lâu nay và đưa ra nhiều thuận lợi. Vậy cần phải làm gì để việc triển khai đạt được kết quả tốt nhất, thưa ông?
Để triển khai Nghị định 20 đạt hiệu quả, tháng 6.2021 - trước khi Nghị định có hiệu lực, Sở đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện rà soát lại tất cả các đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội, khảo sát nhóm đối tượng mới theo Nghị định cùng khoản kinh phí sẽ tăng theo những quy định trong Nghị định.
Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 45/2021/QĐ- UBND triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn tỉnh, Sở tiếp tục có văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng liên quan, UBND cấp xã triển khai việc thực hiện chính sách cho đối tượng theo quy định. Đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát theo quy định.
Ngày 27.8, Sở đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định bằng hình thức trực tuyến cho cấp huyện, cấp xã. Thời gian tới, Sở sẽ tiến hành kiểm tra giám sát công tác triển khai thực hiện tại một số huyện để kịp thời chấn chỉnh những sai sót (nếu có) ngay từ đầu. Đồng thời, có kế hoạch ban hành sổ tay tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội để các đơn vị, địa phương tham khảo, nghiên cứu, triển khai thực hiện đúng quy định.
Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)