CÁC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở HUYỆN TUY PHƯỚC:
Đã có chuyển biến tích cực
Qua 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTXNN ở huyện Tuy Phước đã nâng cao năng lực tổ chức quản lý và điều hành, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá chung của UBND huyện Tuy Phước, các HTXNN đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế hộ thành viên thông qua việc tổ chức thực hiện các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất; làm cầu nối trong việc tiếp nhận chuyển giao các chính sách hỗ trợ, ứng dụng KHKT, công nghệ mới, phương thức tổ chức sản xuất tiên tiến. Một số HTXNN đã tổ chức hiệu quả liên kết với các DN trong, ngoài tỉnh và nông dân tổ chức chuỗi sản xuất lúa giống hàng hóa, tiêu thụ tốt sản phẩm làm ra của thành viên HTXNN, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích… Qua đó, nâng dần khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động trong cơ chế mới hiện nay.
Lãnh đạo HTXNN Phước Sơn 1 họp bàn công việc sáng 14.9.2021. Ảnh: HOÀI THU
Tiêu biểu như HTXNN Phước Sơn 1 đã tổ chức thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 176 ha, kết quả bước đầu đã cho năng suất 76 - 80 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với những thửa ruộng truyền thống. Đơn vị cũng giữ ổn định quy hoạch vùng sản xuất lúa giống, hằng năm liên kết sản xuất khoảng 100 ha với các DN, tiêu thụ 500 - 1.000 tấn lúa giống, thu được từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra HTXNN Phước Sơn 1 thực hiện hiệu quả các dịch vụ như cung ứng vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, còn kết hợp với DN triển khai tổ chức các hoạt động sản xuất, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, mạnh dạn đưa mô hình phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái vào quản lý, chăm sóc đồng ruộng.
Ông Hồ Ngọc Dũng, Giám đốc HTXNN Phước Sơn 1, tâm đắc: Dù gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng năm 2020 tổng doanh thu của đơn vị vẫn đạt hơn 8,834 tỷ đồng, tăng 10,56% so với năm 2019 (lợi nhuận trước thuế gần 350 triệu đồng, tăng 9,69% so với năm 2019); tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 hơn 7,968 tỷ đồng, tăng 27,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các HTXNN hoạt động dịch vụ chưa phong phú, lợi ích kinh tế mang lại cho thành viên chưa nhiều; đa số các HTXNN không có vốn để đầu tư sửa chữa và xây mới cơ sở vật chất, kỹ thuật... Do đó, trong số 14 HTXNN, huyện Tuy Phước chỉ có 3 HTXNN đạt loại tốt (Phước Hưng, Phước Quang, Phước Sơn 1); còn lại 5 HTXNN loại khá, 2 HTXNN loại trung bình, 4 HTXNN loại yếu.
Ngay cả số ít HTXNN xếp loại tốt cũng đang đối mặt với những khó khăn, thử thách. Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển của đơn vị trong thời gian tới, ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, khá dè dặt cho biết các hoạt động dịch vụ đang vận hành tốt nhưng khi cần thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo kịp nhu cầu thị trường thì việc huy động không lại hề dễ dàng.
Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, để khắc phục trong thời gian tới thì việc tiếp tục đổi mới, tổ chức lại hoạt động các HTXNN theo hướng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động của HTXNN trong tình hình mới cần phải được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn.
HOÀI THU - TẤN HÙNG